Xây dựng hệ sinh thái để sản phẩm Việt tiếp cận thị trường Halal

12:45' - 17/04/2025
BNEWS Ngành kinh tế Halal đã trở thành phân khúc phát triển nhanh nhất trên thế giới với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 5,2%, có lợi nhuận và sức ảnh hưởng nhất trong kinh doanh thực phẩm toàn cầu hiện nay.

Sáng 17/4, tại Hà Nội, Trường Đại học Thương mại, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế và thương mại Halal của Việt Nam”.

Theo PGS. TS. Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, thị trường Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn xét về quy mô và mức tăng dân số, mức chi tiêu và sự đa dạng về lĩnh vực cũng như triển vọng tăng trưởng trong tương lai. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”, thúc đẩy xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia - TCVN về lĩnh vực Halal và thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia.

Trong vài năm trở lại đây, ngành kinh tế Halal đã trở thành phân khúc phát triển nhanh nhất trên thế giới với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 5,2%, có lợi nhuận và sức ảnh hưởng nhất trong kinh doanh thực phẩm toàn cầu hiện nay.

 

Ông Nguyễn Hoàng cho rằng, nhu cầu ngành thực phẩm, dược phẩm và dịch vụ tài chính Halal ngày càng cao từ người tiêu dùng trên thế giới. Bởi, không chỉ bởi sự hiện diện của khoảng 2 tỷ người Hồi giáo, mà còn là lựa chọn của cộng đồng người tiêu dùng không theo đạo Hồi. Sự gia tăng giá trị thị trường này cho thấy, Halal không chỉ là một tiêu chuẩn tôn giáo mà còn trở thành một mô hình kinh tế mang tính toàn cầu hóa. Halal đã phát triển từ một dấu hiệu nhận dạng tuân thủ tôn giáo đến niềm tin vào chất lượng và tính bền vững của sản phẩm Halal.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm thị phần lớn nhất, được coi là trung tâm Halal toàn cầu. Bên cạnh đó, thị trường thực phẩm Halal ở châu Âu đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, được thúc đẩy bởi cả người Hồi giáo và người tiêu dùng không theo đạo Hồi, họ ưu tiên tìm kiếm các mặt hàng thực phẩm được sản xuất có đạo đức và chất lượng cao. Châu Mỹ Latinh có thị trường thực phẩm Halal phát triển mạnh, với các quốc gia như Brazil và Argentina đang nổi lên là những nước đóng vai trò chính trong sản xuất và xuất khẩu thịt Halal.

Ông Ali Akbar Nazari, Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam chia sẻ, nền kinh tế Halal đang trở thành kinh tế trụ cột trên toàn cầu, vượt ra ngoài phạm vi cộng đồng hồi giáo để trở thành xu thế mang tính toàn cầu. Giá trị thị trường Halal hiện ước tính khoảng 8.000 tỷ USD, dự kiến đạt 12.000 tỷ USD trong 5 năm tới.

Một trong những lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế Halal là ngành thực phẩm Halal, chiếm khoảng 65% giá trị thương mại Halal. Thị trường Halal toàn cầu đang nổi lên như một lĩnh vực đầy tiềm năng, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ước tính đạt 10,5%. Ngành thực phẩm Halal sẽ chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch thương mại thực phẩm toàn cầu trong tương lai gần. Đặc biệt, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi tập trung dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, chiếm tới 63,3% mức tiêu thụ sản phẩm Halal toàn cầu.

Việt Nam và Iran có nhiều tiềm năng hợp tác trong thị trường Halal, không chỉ giới hạn ở thực phẩm mà còn mở rộng sang các ngành như dược phẩm, y tế và đặc biệt là du lịch Halal. Iran sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc thiết lập quy trình chứng nhận Halal, tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo và chia sẻ kiến thức chuyên môn nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng một hệ thống hạ tầng Halal vững mạnh, ông Ali Akbar Nazari chia sẻ.

Ông Jamale Chouaibi, Đại sứ Vương quốc Maroc tại Việt Nam đánh giá, thị trường Halal đang mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhờ vào sự đa dạng và tính phù hợp của nhiều dòng sản phẩm trong nước với nhu cầu của người tiêu dùng Hồi giáo trên toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả tiềm năng này, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc tiếp cận và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Halal.

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường Halal; trong đó có việc tổ chức các hội thảo khoa học và sự kiện xúc tiến thương mại. Những hoạt động này giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn Halal, từ đó tăng cường khả năng tiếp cận thị trường không chỉ ở Đông Nam Á mà còn ở các khu vực như Trung Đông, châu Phi, châu Âu…

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Việt Nam có thể triển khai một số nhóm giải pháp chính như giáo dục và đào tạo để phổ biến kiến thức về thị trường Halal và các quy định liên quan đến sản phẩm Halal, vì hiện nay nhận thức về lĩnh vực này của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá hạn chế.  Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái Halal theo chuỗi cung ứng khép kín từ khâu nông trại, sơ chế, đóng gói đến bảo quản… với việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn Halal.

Về xúc tiến thương mại, doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế nhiều hơn, đồng thời Nhà nước có chính sách xúc tiến thương mại hiệu quả để hỗ trợ quảng bá sản phẩm Halal của Việt Nam ra thị trường thế giới. Ngoài ra, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường, không chỉ tập trung vào khu vực Đông Nam Á mà cần mở rộng sang các thị trường lớn khác như Trung Đông, châu Phi, châu Âu – nơi có cộng đồng Hồi giáo đông đảo.

Ngoài tiêu chuẩn chung, mỗi quốc gia Hồi giáo vẫn đang áp dụng những bộ tiêu chuẩn Halal riêng. Việt Nam cần xác định các thị trường Halal trọng điểm và ký kết các thỏa thuận hoặc biên bản ghi nhớ hợp tác để có thể thấu hiểu, nắm bắt cụ thể các tiêu chuẩn của từng quốc gia. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam định hướng chiến lược sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông Jamale Chouaibi khuyến nghị.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục