Nâng cao giá trị cạnh tranh của thanh long trên thị trường xuất khẩu

16:47' - 19/05/2020
BNEWS Sản xuất thanh long tiêu chuẩn VietGAP không chỉ góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân, mà còn nâng cao giá trị cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường xuất khẩu.

Xác định việc sản xuất theo các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam (VietGAP) là hướng đi bền vững, mang tính “sống còn” cho trái thanh long, tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh vận động người dân tham gia sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Bình Thuận hiện có gần 30.000 ha thanh long với sản lượng khoảng 600.000 tấn/năm. Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với yêu cầu sản xuất thực tiễn và xu thế phát triển hiện nay mà còn nâng cao giá trị cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường xuất khẩu.

Để đạt được mục tiêu toàn tỉnh có 10.200 ha thanh long được sản xuất theo chuẩn VietGAP, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện tái cấp chứng nhận và chứng nhận mới diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2020.

Theo đó, trên cơ sở diện tích đã phân bổ, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của quy trình sản xuất nông sản an toàn. Đồng thời, vận động, hướng dẫn, giúp nông dân tổ chức xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP có quy mô hợp lý. Qua đó, tạo thuận lợi trong quản lý, tổ chức triển khai các hoạt động sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm sau này.

Đối với diện tích thanh long đăng ký mới năm 2020, các địa phương phải tổ chức thực hiện việc lấy mẫu đất, mẫu nước để phân tích, đánh giá nguy cơ ô nhiễm cho tất cả các diện tích đăng ký chứng nhận sản xuất theo yêu cầu VietGAP; đồng thời, triển khai tập huấn chuyên đề cho tất cả tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký sản xuất thanh long theo VietGAP, từ quy trình sản xuất, an toàn lao động đến việc thống nhất thực hiện quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Để việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả trong thực tiễn, ngành nông nghiệp phối hợp với Sở Công Thương, Hiệp hội thanh long khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, cơ sở thu mua liên kết với các nhóm nông dân sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP để thu mua cho nông dân.

Cùng đó, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các tổ nhóm sản xuất thanh long để xây dựng chuỗi giá trị; hình thành mối liên kết giữa tổ chức sản xuất với doanh nghiệp thu mua xuất khẩu…

Những năm qua, việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, liều lượng thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh vườn, chi phí ban đầu cao nhưng giá thu mua không cao hơn so với thanh long sản xuất bình thường…

Điều này khiến người dân không mặn mà tham gia. Tuy nhiên, qua nhiều lần thanh long Bình Thuận rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, nhất là mùa dịch COVID- 19 vừa qua, người dân mới phần nào ý thức được giá trị của việc sản xuất sạch theo VietGAP.

Cụ thể, đợt dịch vừa qua, trong khi giá thanh long giảm sâu (có lúc chỉ còn 3.000 - 6.000 đ/kg), hàng nghìn tấn thanh long phải nằm chờ để trao đổi, mua bán với đối tác thông qua hình thức biên mậu sang thị trường Trung Quốc thì những lô hàng thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vẫn tiêu thụ với giá cả ổn định và giao thương thông suốt vì có hợp đồng xuất khẩu chính ngạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục