Nâng cao kỹ thuật vận hành lưới điện, đón đầu mùa nóng

12:32' - 07/03/2024
BNEWS Ngày 7/3, PTC3 tổ chức Hội nghị Quản lý kỹ thuật truyền tải nhằm triển khai các giải pháp bảo đảm quản lý vận hành an toàn, hiệu quả lưới điện truyền tải địa bàn 9 tỉnh Nam miền Trung – Tây Nguyên.
Tại hội nghị này, các đơn vị truyền tải điện thuộc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đã báo cáo tình hình vận hành, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, đề xuất các giải pháp và phương pháp thực hiện quản lý vận hành lưới điện truyền tải an toàn năm 2024. Đồng thời nâng cao đào tạo, huấn luyện nhân viên vận hành đủ năng lực, hiểu biết, có kỹ năng xử lý nhanh mọi tình huống sự cố có thể xảy ra khi vận hành lưới điện truyền tải.

 

Theo ông Hồ Công, Phó Giám đốc PTC3, dự báo tình hình thời tiết năm 2024 tiếp tục diễn ra phức tạp, bất thường, nắng nóng đến sớm khô hanh cục bộ nhiều nơi, sương muối, sương mù và nhiễm bẩn cách điện diễn biến nhanh do tác động môi trường. Tại khu vực biển Đông có thể xuất hiện 11 – 13 cơn bão; hiện tượng mưa với cường độ lớn cục bộ dễ gây sạt lở đất nơi có đường dây truyền tải đi qua.

Về yếu tố chủ quan, lưới điện truyền tải 220 kV khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên của công ty vận hành trong năm 2024 chưa có chuyển biến tích cực hơn năm 2023 về cấu trúc mạng lưới điện; chưa đưa vào vận hành được những công trình đường dây trọng điểm như mạch 2: Nha Trang - Krongbuk - Pleiku, Phước An – Phù Mỹ; ảnh hưởng quá tải truyền tải năng lượng tái tạo đường dây Chư sê – Pleiku 2 và nguồn sinh khối An Khê - Pleiku.

Cùng đó, việc vận hành trạm biến áp và đường dây luôn đầy và quá tải, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra những sự cố. Đối với thiết bị đang vận hành, tuy đã có đánh giá chất lượng, kiểm soát tốt, nhưng hư hỏng bất thường vẫn xảy ra, vật tư thiết bị dự phòng tại chỗ thiếu, khó đáp ứng kịp thời.

Tính toán của Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) và điều độ miền (A3) trong tháng 3/2024 và các tháng sau cho thấy, công suất truyền tải miền Trung bắt đầu tăng 12,36% so với năm 2023. Điều này có thể gây khó khăn cho quản lý vận hành hệ thống điện nói chung và lưới điện của PTC3 nói riêng.

Để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trong mùa khô 2024 tại khu vực và hỗ trợ cung cấp điện cho miền Bắc, ông Đinh Văn Cường, Phó giám đốc PTC3 cho biết, PTC3 sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá và đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Theo đó, quán triệt nhận thức và triển khai đồng loạt ở 3 cấp độ: Thực hiện khẩn, phải thực hiện ngay, cần thiết thực hiện để giải quyết tốt nhiệm vụ chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia.

Tại hội nghị, truyền tải điện tại 9 địa phương miền Trung - Tây Nguyên và phòng kỹ thuật đã thảo luận về công tác kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; các vấn đề liên quan nhằm duy trì, nâng cao quản lý vận hành lưới điện truyền tải thời gian tới.

Theo báo cáo của PTC3, hiện đơn vị đang quản lý vận hành 5.769 km đường dây 220kV - 500kV; 18 trạm biến áp 220kV điều khiển thao tác xa không người trực, 6 trạm biến áp 500kV với tổng công suất 15.548 MVA, với 994 lao động.

Hệ thống lưới điện do Công ty quản lý nằm trên địa bàn 9 tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên. Khu vực này vừa là điểm kết nối hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam qua các trạm biến áp và đường dây 500 - 220kV và cung cấp điện cho các điện lực trong khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên.

Thời gian qua, PTC3 đã đảm bảo nhiệm vụ truyền tải điện thông suốt trên trục Bắc Nam, đồng thời giải tỏa các nguồn năng lượng trọng điểm quan trọng trong khu vực như: Thủy điện Khu vực Tây Nguyên, cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Nhiệt điện BOT Vân Phong… và các nhà máy năng lượng tái tạo trong khu vực. Qua đó, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ cho việc truyền tải điện quốc gia, cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh Nam Trung Bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Lưới điện ngày càng hoàn thiện, suất sự cố giảm, điều đặc biệt là trên lưới điện công ty quản lý chưa có sự cố gây mất điện trên hệ thống.

Để có được kết quả này, cùng với chỉ đạo, điều hành còn có sự đóng góp quan trọng của việc quản lý kỹ thuật với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt khi nhu cầu phụ tải tại miền Trung – Tây Nguyên tiếp tục tăng, các yêu cầu, đòi hỏi về đảm bảo điện đầy đủ, an toàn, liên tục, chất lượng điện ngày càng cao, nhất là ở khu vực có địa hình phức tạp, luôn chịu tác động lớn bởi thời tiết nắng nóng, mưa bão, lũ, giông sét, nước biển…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục