Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics

13:47' - 29/10/2018
BNEWS Đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics: vấn đề và kiến nghị chính sách”. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Sáng 29/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics: vấn đề và kiến nghị chính sách” nhằm thảo luận về thực trạng hoạt động logistics ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời, nhận diện những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động logistics. Từ đó, đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, logistics là xương sống của thương mại quốc tế. Dịch vụ logistics có chi phí thấp và khả năng đáp ứng cao yêu cầu của khách hàng thúc đẩy thương mại trong và ngoài nước và kinh tế quốc gia phát triển. Hiệu quả logistics cho thấy, đối với các nước có cùng thu nhập đầu người thì quốc gia nào có hoạt động logistics tốt nhất có sự gia tăng về tăng trưởng 1% GDP và 2% thương mại. Do đó, ngành logistics nói riêng và các lĩnh vực khác trong nền kinh tế đang cần sự hợp lý, cần phải thay đổi.

Ông Michael Krakowski, Cố vấn trưởng Giám đốc chương trình cải cách kinh tế vĩ mô và tăng trưởng xanh GIZ, theo kinh nghiệm trên thế giới, để tận dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cần có những chính sách được tiếp cận theo từng nhóm, ngành cụ thể. Đồng thời, xác định đối với từng nhóm, ngành để đưa ra giải pháp cho từng ngành cụ thể và logistics cũng là một trong những ngành cần nghiên cứu, phân tích.

Theo CIEM, trong năm 2018, hàng trăm văn bản pháp lý liên quan đã được ban hành. Kết quả là hiệu quả của ngành đã có sự cải thiện tốt, được xếp vào nhóm trên, riêng thuận lợi hóa thương mại được xếp vào nhóm giữa toàn cầu. Song, năng lực cạnh tranh của ngành logistics vẫn còn rất nhiều trở ngại như: cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ, thiếu kết nối. Điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành và các thủ tục hành chính còn lớn. Việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp logistics trong nước chưa rộng, chủ yếu ở mức độ đơn giản.

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh biết, Chính phủ rất quan tâm đến phát triển ngành logistics, đặc biệt trong những năm gần đây. Tuy nhiên, rào cản phát triển của ngành này còn rất nhiều. Dẫn chứng cho nhận định này, bà Thảo cho biết, có một doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký “phù hiệu” cho 200 xe tải, nhưng sau gần 3 tháng từ ngày doanh nghiệp nộp hồ sơ, đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa được cấp phù hiệu.

Theo đại diện CIEM, có rất nhiều lý do khiến doanh nghiệp không đủ điều kiện được cấp phù hiệu như: bản sao y công chứng của một bộ hồ sơ bị mờ (mặc dù doanh nghiệp có đem theo bản gốc để đối chiếu) nhưng cán bộ tiếp nhận hồ sơ trả lại toàn bộ mấy trăm bộ hồ sơ. Hoặc mỗi lần đến, cán bộ tiếp nhận lại yêu cầu sửa một nội dung…

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, những doanh nghiệp không có mối quan hệ rất khó làm ăn, mặc dù điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm. Bà Thảo cũng cho biết, sàn giao dịch vận tải của Việt Nam đã hoạt động nhiều năm nhưng không hiệu quả, thậm chí không có giao dịch, tình trạng chở container rỗng còn phổ biến.

Nguyên nhân của tình trạng này được bà Thảo chỉ rõ, thứ nhất là do các doanh nghiệp chưa tin tưởng vào uy tín của sàn giao dịch vận tải cũng như các doanh nghiệp logistics tham gia trên sàn. Thứ hai là chưa có giải pháp đảm bảo an toàn hàng hóa cho chủ hàng. Thứ ba là sàn giao dịch vận tải chủ yếu do một số công ty tư nhân thiết lập với mục đích góp phần hạn chế xe chạy rỗng, giảm chi phí. “Chính vì vậy, các sàn giao dịch vận tải thiếu độ tin cậy với các doanh nghiệp logistics”, bà Thảo nhấn mạnh.

Đại diện cho nhóm doanh nghiệp, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta kiến nghị, cần luật hóa việc ứng dụng IT vào điều kiện kinh doanh. Thuế xuất nhập khẩu và chính sách mặt hàng đối với hàng thương mại điện tử xuyên biên giới và có hạn mức miễn thuế. Hiện, tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đang nắm quyền chi phối trong lĩnh vực logistics. Nếu có những rào cản như hiện nay, doanh nghiệp trong nước không thể phát triển được, chưa nói đến cạnh tranh. “ Khi đó, cơ hội sẽ hoàn toàn thuộc về doanh nghiệp nước ngoài”, ông Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục