Nâng giá trị bù sản lượng cho vụ vải thiều Bắc Giang 2024

18:23' - 21/05/2024
BNEWS Để bù đắp sự sụt giảm sản lượng, người trồng vải và các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang đang tập trung chăm sóc, đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ để nâng cao giá trị quả vải.

Năm nay do bất lợi của thời tiết, sản lượng vải thiều Bắc Giang giảm mạnh. Để bù đắp sự sụt giảm của sản lượng, người trồng vải và các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang đang tập trung chăm sóc, đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ để nâng cao giá trị quả vải.

Đang trong vụ vải thiều nhưng những ngày này về Lục Ngạn - thủ phủ vải thiều của Bắc Giang không còn bắt gặp hình ảnh bạt ngàn những chùm vải sai trĩu nặng, tắm mình trong nắng hè, dẩn chín đỏ như mọi năm, thay vào đó là những vườn vải không đậu quả, chỉ có màu xanh của lá, của trồi và trơ cọng.

Năm 2024, huyện Lục Ngạn duy trì sản xuất hơn 17 nghìn ha vải, do ảnh hưởng của thời tiết, dự kiến sản lượng đạt khoảng 50 nghìn tấn, trong đó vải chính vụ giảm gần 70% sản lượng so với năm ngoái.

 

Là một trong số những vườn vải hiếm hoi vẫn sai quả trên địa bàn xã Tân Mộc, Lục Ngạn, vườn vải của gia đình anh Tô Ngọc Thành, ở thôn Tân Thành với 200 gốc vải dự kiến cho thu về khoảng 8 tấn. Anh Thành cho biết, so với mọi năm sản lượng vải của gia đình anh năm nay cũng sụt giảm, nhưng vẫn còn may mắn hơn nhiều nhà bị mất trắng.

Với tình hình hiện nay, dự kiến giá vải sẽ tăng cao hơn so với năm ngoái. Để bù đắp sản lượng vải sụt giảm, anh Thành đang tập trung chăm sóc kỹ lưỡng cho diện tích vải sắp cho thu hoạch để đảm bảo chất lượng, nâng cao giá thành; trong đó tập trung cao vào phòng trừ sâu bệnh với việc sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật khuyến cáo cho vải thiều.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh năm 2024 là 29.700 ha, sản lượng ước trên 100.000 tấn (bằng khoảng 50% so với năm 2023); trong đó, đối với vải chín sớm diện tích 7.700 ha, sản lượng ước 50.000 tấn; vải chính vụ diện tích 22.000 ha, sản lượng ước 50.000 tấn; vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP 15.600 ha, sản lượng ước 50.000 tấn; duy trì vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 82 ha, sản lượng ước 500 tấn.

Hiện các cấp chính quyền địa phương đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chăm sóc, thu hái để chất lượng vải thiều đạt cao nhất. Ngay từ đầu vụ ngành nông nghiệp đã thành lập tổ chỉ đạo sản xuất vải thiều năm 2024 gồm 10 cán bộ chuyên môn để phối hợp với các huyện trọng điểm sản xuất vải thiều, tổ chức rà soát tất cả các vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh ban hành bộ tài liệu kỹ thuật hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh vải thiều phục vụ xuất khẩu; danh mục thuốc bảo vệ thực vật khuyến cáo cho vải thiều.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành, cho biết, từ nay đến cuối vụ các đơn vị chuyên môn của ngành phối hợp với các huyện, thành phố tiếp tục hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại nhằm đảm bảo năng suất và chất lượng quả vải phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; rà soát, đánh giá tất cả mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói thực hiện tốt các quy định của nước nhập khẩu về kiểm soát dịch hại, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cùng đó, lấy 50 mẫu phân tích dư lượng đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu đi thị trường có giá trị kinh tế cao (Mỹ, Australia, Nhật Bản..); hướng dẫn các hộ sản xuất trong vùng trồng chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thu hoạch và chuẩn bị cho công tác kiểm tra thực địa vùng trồng.

Vải thiều Bắc Giang bắt đầu cho thu hoạch từ ngày 20/5- đến 30/7, vải sớm từ ngày 20/5 -15/6, vải chính vụ từ ngày 10/6 trở đi.  Những ngày này trên vùng vải sớm Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, người dân đã bắt đầu thu hái, chủ yếu là phục vụ xuất khẩu với giá dao động từ 30.000 - 38.000 đồng/kg, cao hơn so với mọi năm từ 15-20%.

Ông Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa cho biết, từ đầu vụ (16/5) đến nay các thương lái, doanh nghiệp đã tiêu thụ khoảng 1.000 tấn vải sớm, trong đó xuất khẩu khoảng 70%, gồm sang thị trường Trung Quốc 650 tấn; thị trường Australia 7 tấn; còn lại thị trường khác.

Với sản lượng 100.00 tấn, năm nay Bắc Giang dự kiến tổng sản lượng vải thiều xuất khẩu khoảng 70.000 tấn, chiếm 70% sản lượng toàn tỉnh. Trong đó, tiếp tục duy trì xuất khẩu quả vải tươi và sản phẩm vải chế biến sâu. Thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, tiêu thụ lớn, có quan hệ hợp tác nhiều năm qua.

Để đảm bảo chất lượng vải phục vụ xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã số vùng trồng, diện tích trên 17 nghìn ha, sản lượng ước đạt 34.000 tấn; trong đó thị trường Trung Quốc có 130 mã số vùng trồng, diện tích trên 16,2 nghìn ha, sản lượng ước đạt 30.000 tấn; sản lượng vải xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, EU, Hàn Quốc ước đạt 4.000 tấn ( Hoa Kỳ 18 mã số vùng trồng, Nhật Bản 38 mã số vùng trồng, Australia 18 mã số vùng trồng…).

Từ đầu vụ đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang đã tổ chức 10 buổi làm việc với các doanh nghiệp tham gia khảo sát các vùng sản xuất; chuẩn bị các điều kiện về sơ chế đóng gói, công nghệ bảo quản phục vụ xuất khẩu sang thị trường: Hoa Kỳ, Canada, Australia, EU, Nhật Bản, Thái Lan...

Đến nay đã có 5 doanh nghiệp ký kết hợp đồng với nông dân như: Ameii, Vifoco, Toàn Cầu, Rồng Đỏ, Mova. Ngoài ra, tiếp tục hỗ trợ Công ty cổ phần Tập đoàn Logistics 528 để chuẩn bị xuất khẩu vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Đồng thời, Bắc Giang chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Giữa tháng 5/2024, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến với Sở Thương mại và các cơ quan chức năng, các địa phương của tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc về tiêu thụ vải thiều năm 2024, qua đó thúc đẩy tiêu thụ vải thiều ở thị trường này.

Dự kiến cuối tháng 5/2024 tỉnh tổ chức hội nghị kết nối cung cầu vải thiều và các sản phẩm chủ lực đặc trưng của tỉnh trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng số. Cùng đó, UBND huyện Tân Yên, huyện Lục Ngạn sẽ tổ chức tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và du lịch mùa vải thiều năm 2024.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, hiện các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động, sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong thu hoạch, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều…

Thời gian tới, Sở Công Thương chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ quảng bá, thông tin giới thiệu vải thiều Bắc Giang đi các thị trường quốc tế; tiếp tục đàm phán mở cửa các thị trường xuất khẩu mới đối với vải thiều; hỗ trợ thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vải thiều; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, bảo quản, chế biến sâu quả vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục