Nâng giá trị làng nghề rắn Vĩnh Sơn
Nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn có từ lâu đời, gắn liền với truyền thống săn bắt tự nhiên của người dân địa phương được lưu truyền qua vài thế hệ. Trải qua thời gian, làng quê với những ngôi nhà đơn sơ dần thay thế bằng nhà cao tầng và đường bê tông hoá, nhưng hình ảnh những con rắn hàng ngày được người dân cần mẫn chăm sóc đã trở nên quen thuộc và trở thành nét văn hoá đặc trưng của vùng đất nơi đây.
Khoảng 2 tiếng chaỵ xe từ Hà Nội, làng rắn Vĩnh Sơn nằm tại huyện Vĩnh Tường với địa thế "thiên thời, địa lợi" rất dễ dàng tiếp cận bằng cả đường bộ và đường sông. Dù trải qua nhiều thăng trầm vì những đặc thù khác biệt nhưng đến nay làng nghề có đàn rắn số lượng lớn và người dân gắn bó với nghề đang tìm cách đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị từ rắn.
Trầm ngâm bên chén trà trong buổi chiều cuối năm, ông Nguyễn Văn Quyết - người sinh ra và trưởng thành tại mảnh đất Vĩnh Sơn-Vĩnh Tường 60 năm qua trải lòng: Các cụ có câu "đói đầu gối phải bò, cái chân phải chạy, cái giò hay đi". Điều này được ví von thật hợp với thời điểm làng Vĩnh Sơn rơi vào vụ mùa đói kém, gia cảnh nghèo túng buộc phải xoay xở kiếm ăn hàng ngày. Xuất phát từ lý do này mà người dân xưa kia bắt rắn về chế biến món ăn, hôm nào bắt được nhiều bớt lại nhốt vào bể. Về sau thấy rắn cái đẻ trứng rồi nở thành rắn con và cứ thế bà con nuôi tiếp, nuôi lâu thành nghề "cha truyền con nối".
Tuy nhiên, "miệng ăn núi lở", cầu nhiều hơn cung nên "tài nguyên" rắn tự nhiên cũng cạn kiệt. Năm 1979, được sự quan tâm giúp đỡ của Ủy ban nhân dân các cấp, ngành, nhất là ngành khoa học – kỹ thuật của tỉnh và Trung tâm sinh lý – hoá sinh người và động vật, Vĩnh Sơn đã khánh thành Trung tâm nhân giống rắn (Trại rắn Vĩnh Sơn). Đây là sự kết hợp giữa kinh nghiệm cổ truyền và tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp người dân nâng cao hiệu quả chăn nuôi rắn.
Theo lời kể của ông Quyết, trải qua mấy chục năm thăng trầm và khởi sắc đan xen, hiện nay, thay vì tập trung chăn nuôi rắn thương phẩm, các hộ tại Vĩnh Sơn phát triển mạnh chăn nuôi rắn sinh sản với tổng số rắn bố mẹ đạt hơn 231 nghìn con.
Chỉ tính riêng trong năm 2024, Vĩnh Sơn xuất bán khoảng 80 tấn, giá trị ước đạt 53 tỷ đồng; trứng rắn xuất bán ước đạt 52 tỷ đồng; thu nhập từ trứng rắn và rắn thương phẩm ước đạt 105 tỷ đồng. Giá trị chăn nuôi rắn đã trừ chi phí ước đạt 97,5 tỷ đồng, bằng 143,4% so với năm 2023.
Hiện tại, nghề nuôi rắn truyền thống đã được nhân dân chú trọng đầu tư, quy mô chăn nuôi mở rộng, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật được áp dụng. Vì vậy, năm qua, đàn rắn phát triển tốt, tỷ lệ rắn chết hạn chế nhiều so với trước, sản phẩm chế biến từ rắn ngày càng đa dạng, mồi ăn truyền thống cũng được chú trọng thay thế đảm bảo cho sự phát triển của rắn.
"Người nuôi rắn ở Vĩnh Sơn trả giá bằng mồ hôi, nước mắt để duy trì và phát triển nghề. Biết bao khổ cực, gian nan nhưng đến nay làng nghề có đàn rắn số lượng lớn và hướng tới đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị", ông Nguyễn Văn Quyết bày tỏ.
Là hộ nuôi rắn lâu năm tại Vĩnh Sơn, anh Nguyễn Đăng Thao bộc bạch: Gia đình đã gắn bó với nghề nuôi rắn hơn 20 năm với khởi nghiệp sơ khai chỉ bắt đầu từ việc nuôi nhỏ lẻ để bán rắn thương phẩm. Tuy nhiên, trước nhu cầu thị trường, gia đình đã triển khai chế biến thêm cao rắn và rượu rắn…. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, khách tham quan mô hình ngày càng đông, sản phẩm nhờ vậy tiêu thụ tốt hơn, kinh tế gia đình được cải thiện.
Theo anh Nguyễn Đăng Thao, bắt đầu nghề nuôi rắn, người nuôi cần có số vốn đầu tư ban đầu khá lớn để xây dựng chuồng trại, mua con giống, thức ăn, thuốc thú y... Bởi nuôi rắn đòi hỏi kiến thức và kỹ thuật chuyên môn cao, nhất là chọn giống rắn tốt, sức đề kháng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng. Đặc biệt, việc cung cấp thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh và thu hoạch đúng thời điểm là yếu tố góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.
"Một trong những bí quyết sinh lời là nuôi rắn ngay cả trong mùa đông bởi đây là loài có thói quen ngủ đông. Vì thế, sử dụng đèn sưởi để nhiệt độ trở nên ấm áp sẽ giúp loài rắn vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường", anh Nguyễn Đăng Thao cho hay.
Theo thống kê, tính cả rắn thực phẩm, rượu rắn, mỗi năm tổng thu nhập từ ngành này khoảng 150 tỷ đồng, chiếm 70-75% tổng doanh thu toàn xã. Thị trường tiêu thụ rắn Vĩnh Sơn là nhà hàng, quán ăn đặc sản trên địa bàn cả nước... Hiện tại, khoảng 90% sản phẩm của làng nghề rắn Vĩnh Sơn được xuất khẩu sang Trung Quốc, đem về doanh thu cao từ rắn thương phẩm và rắn sinh sản.
Đáng lưu ý, người dân ở làng nghề rắn Vĩnh Sơn sản xuất ra nhiều sản phẩm đặc trưng như rượu rắn, cao rắn chữa đau xương khớp; nọc rắn dùng trong sản xuất dược phẩm; da rắn làm đồ mỹ nghệ; mật rắn chữa bệnh hen, tiêu hóa… Năm 2021, sản phẩm cao rắn gia truyền của hộ sản xuất Nguyễn Tiến Sỹ được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao cấp tỉnh.
Ông Hạ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn nhấn mạnh: Thời gian qua, UBND xã tích cực liên kết với các đơn vị lữ hành thông qua Hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn để đưa khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Ngoài việc tìm hiểu quy trình chăn nuôi, du khách còn được thưởng thức các món ăn và mua sản phẩm từ rắn làm quà tặng.
Ngoài ra, chính quyền địa phương đang triển khai xây dựng khu làng nghề chăn nuôi và chế biến rắn tập trung trên diện tích hơn 20 ha gồm khu chăn nuôi, chế biến, khu dịch vụ du lịch, chợ làng nghề.... Đây sẽ là bước đệm quan trọng giúp làng rắn Vĩnh Sơn khẳng định vị thế tại thị trường nội địa và từng bước vươn ra thế giới.
Tin liên quan
-
Đời sống
Khám phá Tết cổ truyền Việt Nam: Những điều chưa biết về văn hóa người Việt
10:21' - 11/01/2025
Tết là dịp các gia đình cùng nhau quây quần ôn lại những câu chuyện của năm cũ và mong ước, cầu chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới.
-
Đời sống
Gìn giữ tinh hoa làng nghề chạm bạc
10:08' - 26/12/2024
Với lịch sử tồn tại gần 6 thế kỷ, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương) đã trở thành biểu tượng của làng nghề truyền thống tỉnh Thái Bình.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế & Xã hội
Hà Nội điều chỉnh tổ chức giao thông trên đường Nguyễn Ngọc Vũ (Cầu Giấy)
16:03'
Thời gian thực hiện điều chỉnh tổ chức giao thông trên đường Nguyễn Ngọc Vũ từ cầu Cống Mọc đến ngõ 53 Nguyễn Ngọc Vũ bắt đầu từ ngày 19/4/2025.
-
Kinh tế & Xã hội
Công nghệ AI - “chìa khóa vàng” của du lịch thế hệ mới
15:43'
Thay cho các câu trả lời từ đại lý du lịch truyền thống, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang đóng vai trò trung tâm trong ngành du lịch toàn cầu, được coi là “Chìa khóa vàng” của du lịch thế hệ mới.
-
Kinh tế & Xã hội
Nhật Bản thiếu hụt thợ mộc nghiêm trọng đẩy chi phí lên cao
15:12'
Lực lượng thợ mộc tại Nhật Bản đã giảm xuống còn một phần ba so với quy mô 40 năm trước đây, làm dấy lên lo ngại về chi phí nhà ở tăng cao và việc cải tạo nhà bị đình trệ.
-
Kinh tế & Xã hội
Kiên Giang: Công nhận huyện An Minh đạt chuẩn nông thôn mới
15:00'
Sáng 15/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện An Minh đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2023.
-
Kinh tế & Xã hội
Miền Trung - vùng đất để đến, trải nghiệm và trở lại - Bài 3: Khi cộng đồng là trái tim của du lịch miền Trung
14:51'
Miền Trung không chỉ là vùng đất của những giá trị cổ kính, khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất mà còn đang trở thành không gian cho những hình thức thưởng thức mới.
-
Kinh tế & Xã hội
Đồng Tháp kiến nghị đầu tư xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự và tuyến N1
14:38'
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa kiến nghị Bộ Xây dựng đầu tư xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự, tuyến Quốc lộ N1 (đoạn qua tỉnh Đồng Tháp) và tái khởi động dự án Quốc lộ 30 (đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà).
-
Kinh tế & Xã hội
Cử tri Bến Tre quan tâm người hoạt động không chuyên trách khi tinh giản, sắp xếp
14:31'
Cử tri Bến Tre bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình với chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của Trung ương trong giai đoạn hiện nay.
-
Kinh tế & Xã hội
Khi nào công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025?
14:13'
Theo kế hoạch chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2025, thời gian công bố điểm thi tốt nghiệp là 8 giờ ngày 16/7.
-
Kinh tế & Xã hội
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
11:52'
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh...