Năng lượng tái tạo: Đột phá để thay đổi - Bài 3: Cơ chế phát triển điện sạch

07:47' - 16/10/2019
BNEWS Năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được kỳ vọng là ngành thu hút đầu tư lớn để bổ sung cho nguồn điện Việt Nam.Tuy nhiên, cơ chế nào khuyến khích thu hút đầu tư là điều cần tính toán.
Nhiều hộ dân ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái để sử dụng. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Cùng với xu hướng chuyển dịch năng lượng tái tạo trên thế giới và những ưu thế vốn của mình, năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được kỳ vọng là ngành thu hút đầu tư lớn để bổ sung cho nguồn điện Việt Nam.

Tuy nhiên, cơ chế nào khuyến khích và giải quyết những bất cập hiện có để thu hút đầu tư cho loại hình này là điều các cơ quan chức năng cần tính toán kỹ.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam những năm trở lại đây?

Cục trưởng Phương Hoàng Kim: Đến nay, tổng số công suất lắp đặt các dự án điện năng lượng tái tạo trên toàn quốc đạt trên 5.000 MW, với khoảng 4.442 MW điện mặt trời quy mô lớn và khoảng 150 MW điện mặt trời áp mái, 303 MW điện gió, 342 MW điện sinh khối và gần 10 MW điện từ chất thải rắn.

Như vậy, tổng công suất điện từ năng lượng tái tạo tăng nhanh nhưng không đồng đều; trong đó, điện sinh khối và điện từ chất thải rắn phát triển chậm so với mục tiêu của Chính phủ.

Đối với điện mặt trời, cơ chế hỗ trợ giá cố định quy định tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam đã tạo động lực phát triển tốt thị trường công nghệ mới về năng lượng mặt trời ở Việt Nam.

Từ đó, thúc đẩy hiệu quả thị trường mới bắt đầu và còn non trẻ với các cam kết về dài hạn về giá và trách nhiệm mua điện. Sau hơn 2 năm kể từ khi có quyết định trên, đã có gần 5.000 MW điện mặt trời đi vào vận hành góp phần cung cấp nguồn điện sạch vào hệ thống điện quốc gia.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại trong lĩnh vực phát triển điện mặt trời. Cụ thể là, việc xác định giá bán điện năng (FIT) áp dụng cho 2 năm chưa thể phản ánh sát và kịp thời với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và giá thiết bị cho loại hình năng lượng này trong thời gian qua.

Chính sách khuyến khích theo một mức giá áp dụng trên toàn quốc cũng chưa phản ánh sự khác nhau về tiềm năng khu vực.

Điều này dẫn đến sự tập trung khá nhiều dự án tại một số tỉnh có tiềm năng tốt, gây áp lực lên lưới điện truyền tải và có khả năng ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống điện Quốc gia.

Bên cạnh đó, cơ chế điện mặt trời mái nhà quy định tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg mới tập trung khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà để tự dùng; chưa có đủ quy định để khuyến khích đầu tư lắp điện mặt trời trên mái nhà cho mộ số mô hình khác như: kinh doanh và bán hết lên lưới điện quốc gia; kinh doanh và bán điện cho 1 doanh nghiệp khác không phải là Tập đoàn Điện lực Việt Nam...

Một vấn đề khác là giá thành sản xuất điện từ các nguồn điện năng lượng tái tạo thường cao hơn so với các nguồn điện truyền thống, nên gây sức ép tăng giá bán lẻ điện.

Hay như khó khăn trong giải phóng mặt bằng, dự án điện mặt trời sử dụng khá nhiều đất nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng, đền bù giải tỏa, bồi thường đất đai gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, chi phí đền bù nhiều nơi bị đẩy cao do nhu cầu phát triển điện mặt trời tăng lên nhanh chóng...

Phóng viên: Nhiều nhà đầu tư cho rằng, sự hạn chế của hệ thống truyền tải điện và việc khó thu xếp vốn là những nguyên nhân ngăn trở sự phát triển năng lượng tái tạo. Ông nhận định như thế nào về ý kiến này?

Cục trưởng Phương Hoàng Kim: Đúng là hiện nay, một số tỉnh đang xảy ra tình trạng cắt giảm công suất do quá tải hệ thống truyền tải do sự không đồng bộ trong đầu tư hệ thống lưới điện.

Thời gian xây dựng công trình lưới truyền tải thường mất từ 2-4 năm trong khi dự án điện mặt trời thường chỉ trong vòng từ 6 tháng đến  1 năm.

Chúng tôi cũng nhận được một số ý kiến liên quan đến khó khăn thu xếp vốn, nhưng tôi không nghĩ đây là vấn đề lớn vì thực tế giai đoạn 2 năm vừa qua đã có gần 5.000 MW điện mặt trời đi vào vận hành.

Ước tính đã huy động được tương đương gần 5 tỷ USD đầu tư vào điện mặt trời. Nếu các điều kiện thu xếp vốn thuận lợi thì chi phí tài chính sẽ giảm hơn.

Một vấn đề khác là hệ thống lưu trữ điện hiện nay vẫn còn khá đắt và tính hiệu quả chưa cao, chưa ứng dụng rộng rãi. Nhưng đây không phải là lý do chính ngăn trở sự phát triển của năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, điện mặt trời, điện gió có tính chất không ổn định phụ thuộc nhiều vào thời tiết đòi hỏi phải có nguồn dự phòng tương ứng để sử dụng khi không có đủ gió, nắng. Điều này cũng dẫn đến khó khăn trong việc vận hành ổn định, an toàn hệ thống lưới điện.

Mặt khác, hệ số công suất của điện gió, điện mặt trời thấp dẫn đến hiệu quả đầu tư hệ thống truyền tải không cao; yêu cầu đầu tư hệ thống dự phòng cũng dẫn đến tổng chi phí điện từ năng lượng tái tạo còn khá cao, gây sức ép tăng giá bán lẻ điện.

Chính bởi tính bất ổn của điện gió, điện mặt trời nên việc vận hành hệ thống điện sẽ càng khó khăn khi tỷ trọng điện gió điện mặt trời tăng lên, Việt Nam cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, về mặt kỹ thuật cũng đòi hỏi phải đầu tư thêm các hệ thống dự báo sản lượng điện gió, điện mặt trời theo tháng, ngày, giờ và theo phút, đầu tư thêm các hệ thống điều áp, điều tần, ổn định lưới.

Phóng viên: Để hỗ trợ cho việc phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã có những giải pháp, cơ chế gì để khắc phục các vướng mắc trên, thưa ông?

Cục trưởng Phương Hoàng Kim: Bộ Công Thương đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam như: cơ chế đấu thầu cạnh tranh, cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Chúng tôi cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các dự án truyền tải cần nâng cấp mở rộng; tích cực chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, phối hợp với UBND các tỉnh để giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống truyền tải.

Bộ Công Thương cũng đã xây dựng cơ chế huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, xã hội để đầu tư phát triển lưới điện truyền tải (220kV, 500kV và cấp điện áp cao hơn); chú trọng các công trình lưới điện truyền tải có chức năng thu gom, giải toả công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo từ các nguồn lực của các thành phần kinh tế tư nhân.

Cùng với đó, phối hợp với các nhà tài trợ, đối tác phát triển xây dựng các chương trình hỗ trợ, các nghiên cứu đề xuất cơ chế mới như: Chương trình phát triển điện mặt trời áp mái.

Phóng viên: Thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung nhiều hơn cho phát triển năng lượng tái tạo, bên cạnh các nguồn năng lượng truyền thống. Vậy định hướng của Bộ Công Thương trong phát triển năng lượng tái tạo là gì để nhằm đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư và người sử dụng?

Cục trưởng Phương Hoàng Kim: Phát triển điện năng lượng tái tạo cần có bước đi phù hợp trong tỷ trọng điện từ các nguồn khác, phù hợp với trình độ phát triển khoa học công nghệ trên thế giới cũng như giá thành sản xuất điện năng lượng tái tạo.

Đồng thời, phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam qua từng thời kỳ, khả năng chi trả của người dân, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống truyền tải vừa đảm bảo thu hút đầu tư.

Sau một thời gian áp dụng cơ chế giá ưu đãi cố định 20 năm, Bộ Công Thương đang phối hợp với các nhà tài trợ nghiên cứu cơ chế đấu thầu cạnh tranh dự kiến áp dụng sau năm 2021. Theo đó, các nhà đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo sẽ được lựa chọn theo hình thức đấu giá.

Nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án năng lượng tái tạo thấp nhất.

Cơ chế đấu thầu cạnh tranh sẽ giúp giá bán điện từ các dự án năng lượng tái tạo phản ánh kịp thời sự giảm giá nhanh của các thiết bị năng lượng tái tạo và đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án năng lượng tái tạo, lưới truyền tải.

Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang trong quá trình xây dựng Tổng sơ đồ điện VIII, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hiện đang phối hợp với các tư vấn nghiên cứu đề xuất để đưa các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo cao hơn cùng các đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển hơn nữa năng lượng tái tạo trong tổng sơ đồ này.

Phóng viên: Xin cảm ơn Cục trưởng!

Bài cuối: Thụy Sỹ xanh và sạch nhờ năng lượng tái tạo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục