Năng lượng tái tạo tiếp tục hấp dẫn vốn ngoại

16:23' - 13/10/2021
BNEWS Thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam vẫn luôn hút vốn ngoại trong những năm gần đây khi nhu cầu nguồn điện carbon thấp của có xu hướng ngày càng tăng.

EDF Renewables, thành viên của Tập đoàn Điện lực Pháp vừa tham gia đầu tư vào SkyX Energy thuộc Tập đoàn VinaCapital và là đơn vị chủ quản của nhà phát triển điện mặt trời áp mái SkyX Solar.

Con số đầu tư không được tiết lộ cụ thể song với sự đồng hành của đối tác chiến lược EDF Renewables, SkyX Solar dự kiến trong vòng 2-3 năm tới sẽ đầu tư ít nhất 100 triệu USD để phát triển thêm 200MWp điện mặt trời áp mái phục vụ khách hàng thương mại và công nghiệp tại Việt Nam.

Theo ông Samresh Kumar, Giám đốc Điều hành kiêm sáng lập viên của SkyX Solar, hiện công ty có khoảng 100MWp điện mặt trời áp mái đang phát triển và vận hành; đồng thời có kế hoạch hợp tác với các khu công nghiệp tại Việt Nam để khai thác thêm hàng trăm MW điện mặt trời áp mái thời gian tới.

“Với kinh nghiệm và nguồn lực của EDF Renewables, chúng tôi kỳ vọng dự án đầu tư này sẽ hỗ trợ công ty mở rộng quy mô nhanh chóng, phục vụ cho thêm nhiều khách hàng bằng những giải pháp về điện có tiêu chuẩn thế giới”, Samresh Kumar nói.

Với tổng công suất lắp đặt trên toàn thế giới lên đến 13,8 GW, EDF Renewables hiện là một trong những công ty hàng đầu thế giới về năng lượng tái tạo. EDF Renewables hoạt động chủ yếu ở châu Âu và Bắc Mỹ và đang mở rộng phạm vi hoạt động sang các khu vực mới nổi đầy triển vọng, trong đó có Việt Nam. Đầu năm 2021, công ty này cũng ký kết hợp tác đầu tư vào 2 nhà máy điện gió ở Đắk Lắk.

Ông Yalim Ozilhan, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của EDF Renewables cho biết, năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam. Với thế mạnh về giải pháp điện mặt trời áp mái trên toàn cầu, EDF rất quan tâm và mong muốn đầu tư mở rộng phạm vi hoạt động tại thị trường này.

Chỉ trong vài năm gần đây, từ gần như là con số 0, Việt Nam hiện đã phát triển trở thành thị trường hàng đầu Đông Nam Á về điện mặt trời, với tổng công suất tích lũy vào cuối năm 2020 đạt 9,3 GW, theo số liệu của theo Bloomberg.

Thực tế, không chỉ EDF Renewables, thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam vẫn luôn hút vốn ngoại trong những năm gần đây khi nhu cầu nguồn điện carbon thấp của có xu hướng ngày càng tăng. Bên cạnh lĩnh vực điện mặt trời, năng lượng điện gió cũng đang được nhiều nhà đầu tư ngoại chú ý rót vốn đầu tư.

Trong tuần trước, Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam cũng xác nhận thỏa thuận cung cấp khoản tín dụng xanh ngắn hạn trong lĩnh vực tổng thầu xây lắp các dự án năng lượng tái tạo cho Công ty cổ phần Xây lắp Điện 1 (PCC1), một công ty Việt Nam hàng đầu về tổng thầu xây dựng điện.

Đây cũng là khoản tài chính bền vững đầu tiên mà HSBC cấp cho một doanh nghiệp điện gió trong nước và cũng là khoản tín dụng xanh thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, sau 2 giao dịch dành cho dự án điện mặt trời trên mái nhà của Công ty cổ phần Năng lượng Mặt trời REE vào năm ngoái.

Theo bà Stephanie Betant, Giám đốc toàn quốc khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp HSBC Việt Nam, ở Việt Nam, HSBC đã giới thiệu gói tín dụng xanh đầu tiên, cũng như khoản tín dụng xanh đầu tiên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Việc thu xếp khoản tín dụng xanh cho PCC1 trong ngành điện gió thể hiện sự ủng hộ của HSBC đối với chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam nhằm ưu tiên các nguồn năng lượng sạch. Với điều kiện tự nhiên và nhu cầu của Việt Nam, điện gió là lĩnh vực rất hứa hẹn và tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội đầu tư và phát triển và HSBC sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Tại Việt Nam, HSBC đã khẳng định chiến lược xanh của mình với nhiều sản phẩm và dịch vụ tài chính bền vững được cung cấp và hỗ trợ liên tục cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Ngân hàng cung cấp tín dụng xanh cho tòa nhà văn phòng tại Tp. Hồ Chí Minh, dự án nhà máy tái chế nhựa đầu tiên của Công ty Nhựa Duy Tân và khoản tín dụng xanh kép cho các dự án năng lượng mặt trời áp mái của REE.

Về mảng ngân hàng bán lẻ, HSBC Việt Nam cũng hỗ trợ khách hàng cá nhân với khoản tín dụng xanh để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà và tín dụng xanh cho vay mua nhà.

“Danh sách các sản phẩm tài chính xanh của chúng tôi sẽ liên tục được mở rộng, nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của HSBC hỗ trợ việc chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải và xây dựng một hành tinh khỏe mạnh hơn cho các thế hệ tương lai”, đại diện HSBC Việt Nam cho biết.

Tài trợ bền vững cũng là một trong ba trọng tâm trong khuôn khổ về phát triển bền vững của Ngân hàng Standard Chartered. Cuối tháng 5/2021, Standard Chartered Việt Nam cùng với Standard Chartered Trung Quốc đã hoàn tất thành công giao dịch tài trợ thương mại tổng trị giá 462 triệu USD cho các dự án về năng lượng gió tái tạo. Standard Chartered sẽ hỗ trợ tài chính dự án điện gió chiến lược của khách hàng vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Theo các tổ chức quốc tế, Việt Nam đang ghi nhận mức đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trong khu vực ASEAN. Để thu hút thêm vốn FDI và cung cấp cho các công ty nước ngoài nguồn năng lượng bền vững hơn, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với năng lượng tái tạo.

Khối Nghiên cứu Toàn cầu HSBC cho rằng Việt Nam có tiềm năng tốt nhất để đóng góp năng lượng tái tạo trên toàn khu vực ASEAN, với các khoản đầu tư nước ngoài đang thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục