Năng suất lao động thấp, gánh nặng của ngành da giày

07:08' - 21/07/2017
BNEWS Ngành sản xuất da giày chủ yếu là gia công xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nước ngoài nên giá trị gia tăng đem lại quá thấp.
Ngành da giày: Giải pháp nào để nâng giá trị gia tăng? Ảnh minh hoạ: TTXVN

Các chuyên gia cho rằng, trong 10 năm qua (từ năm 2007-2017), mỗi năm mức tăng lương tối thiểu đều từ 7-12%, trong khi đó GDP chỉ tăng khoảng 6%/năm, năng suất lao động chỉ tăng 2%/năm. Điều này khiến doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành có sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày gặp nhiều khó khăn và phải tìm giải pháp ứng phó như giảm tiền lương mềm, sử dụng máy móc thay thế người lao động…

Song, vấn đề tăng lương không phải là gốc rễ khó khăn của doanh nghiệp mà do ngành sản xuất da giày chủ yếu là gia công xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nước ngoài nên giá trị gia tăng đem lại quá thấp. Đã đến lúc các doanh nghiệp trong nước cần thay đổi hướng đi, làm chủ thị trường và công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhiều khó khăn

Theo Hiệp hội da giày – túi xách Việt Nam (Lefaso), trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu toàn ngành da giày đạt 8,7 tỷ USD, tăng 11% , trong đó xuất khẩu giày dép ước đạt 7 tỷ USD, tăng 12% và túi xách- cặp đạt 1,65 tỷ USD, tăng 4%.

Các vùng tập trung nhiều nhà máy sản xuất da giày nhất hiện nay là ở phía Nam, chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành; trong đó, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, hiện là các địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp FDI và có sản lượng giày dép, túi xách lớn nhất cả nước.

Dù kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng thấp, nghịch lý này của ngành da giày đang là bài toán khó cho các nhà quản lý làm sao để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, giành lại thị phần trong nước. Từ 2013 đến nay các doanh nghiệp FDI ngành da giày đã có sự tăng dần, hiện tại đã chiếm 81,3% thị phần và đẩy thị phần các doanh nghiệp Việt Nam xuống còn 18,7%.

Tại hội nghị Ban chấp hành Lefaso vừa qua tại Bình Dương, các doanh nghiệp đã phản ánh những khó khăn mà ngành da giày đang gặp phải đó vấn đề năng suất lao động không tăng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất còn chậm do thiếu vốn.

Bên cạnh đó, dù chưa có thông tin chính thức về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, nhưng nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra lo ngại vì tiền lương phụ thuộc vào năng suất lao động và chi phí rất nhiều nhưng giá bán đầu ra không tăng do sức mua của các nước châu Âu, Hoa Kỳ không tăng và thậm chí giá bán lẻ còn giảm.

Bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (Bình Dương) cho biết, giá gia công không tăng trong khi năng suất lao động không cao đang là gánh nặng của các doanh nghiệp chủ yếu làm gia công. Đặc biệt đối với sản xuất giày vải nữ, mức độ thủ công lên đến 80% không thể tự động hóa được, thì việc tăng lương cho người lao động đang thật sự là nỗi lo của rất nhiều doanh nghiệp.

Ngoài tiền lương, việc quản lý người lao động cũng khó hơn so với trước kia vì công việc kiếm được dễ dàng hơn nên tinh thần kỷ luật lao động không còn được coi trọng.

Doanh nghiệp FDI ngày càng tăng về số lượng, có điều kiện về vốn, công nghệ, có thể đẩy năng suất cao, mức lương cũng có thể đẩy lên được nhưng đối với những doanh nghiệp Việt Nam đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc tăng lương mỗi năm cũng là bài toán khó, bởi không chỉ đơn thuần là tiền lương tăng mà các khoản phí công đoàn, phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cũng tăng…

Theo ông Vũ Xuân Tạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần 32, ngành giày của Việt Nam chủ yếu là lao động thủ công, năng suất và hiệu quả không cao, tính hấp dẫn không lớn nên việc thu thút lao động dần khó khăn. Theo thống kê của riêng doanh nghiệp, cách đây 5-7 năm trước 80-85% lao động đến từ phía Bắc và giờ chỉ còn chiếm 5-10%.

Chi phí tiền lương có thể phân ra vùng 1, vùng 2, vùng 3, vùng 4 nhưng mặt bằng chung của thị trường thì không thể phân vùng này bán 1 triệu đồng/đôi giày, vùng khác bán 500.000 đồng/đôi giày được.

Vấn đề tăng lương hằng năm là chính sách của nhà nước để chăm lo cho người lao động, nhưng cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp như kéo giãn thời gian, có lộ trình tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, đủ sức cạnh tranh để phát triển.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso cho rằng, các doanh nghiệp FDI đã tập trung nghiên cứu thay đổi quy trình sản xuất, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất rất nhiều, đặc biệt là tự động hóa ở những khâu cần nhiều lao động như xì, cắt. Nhờ đó tốc độ tăng năng suất lao động của các doanh nghiệp FDI rất lớn, khoảng 30.000 USD/người/năm.

Trong khi đó, năng suất lao động của các DN Việt Nam còn khoảng cách khá lớn, những doanh nghiệp lớn nhất cũng chỉ ở mức 18.000-20.000 USD/người/năm, thì các doanh nghiiejp nhỏ và vừa làm sao cạnh tranh nổi.

Bài toán nâng cao năng suất lao động

Liên quan đến vấn đề ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cho ngành da giày, ông Nguyễn Đức Thuấn cho rằng, ngành công nghiệp da giày và túi xách Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang thay đổi rất nhanh.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất gần, do đó doanh nghiệp cần phải thay đổi về tầm nhìn, phương thức quản lý và quá trình đầu tư. Việc đầu tư này đòi hỏi nhiều vốn nhưng cần thiết vì giúp thay thế được một phần lao động, đơn cử như một chiếc máy cắt đã có thể thay thế cho 4 lao động, nâng cao chất lượng và kiểm soát tốt độ đồng đều của sản phẩm.

Bên cạnh đó là việc tập trung cho nghiên cứu phát triển cần được chú trọng bởi đây chính là khâu tạo giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm, nâng cao trong cả chuỗi giá trị toàn ngành.

Để tạo ra giá trị gia tăng cao, các doanh nghiệp gia công chỉ cần thay đổi hướng đi, trình độ quản lý, cơ sở hạ tầng đã có, nếu đi theo mô hình như các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Italy chỉ cần 100-200 lao động nhưng làm giày chất lượng, có thương hiệu, giá trị gia tăng mang lại rất lớn, là nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới…

Định hướng chiến lược của ngành da giày cũng khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa làm chủ thị trường trong nước (70%) và đi sâu vào thị trường ngách của quốc tế.

Trong bối cảnh khó khăn, việc chọn giải pháp đưa việc làm về nông thôn, nơi có nguồn lao động dồi dào cũng là một trong những hướng đi mang tính chủ động, bền vững và chiến lược dài hạn mà các doanh nghiệp nên hướng đến.

Điều này không chỉ giúp giải quyết bài toán về lao động, giảm gánh nặng lên đô thị mà còn giúp giải quyết việc làm cho 59% lao động nông thôn tạo ra năng suất lao động thấp và chưa có công ăn việc làm.

Còn các cơ sở sản xuất hiện hữu ở các đô thị sẽ trở thành các trung tâm nghiên cứu sản phẩm, phát triển khoa học công nghệ gắn kết với các Viện, các trường để nghiên cứu sát với doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học công nghệ. Những thay đổi trụ cột này cơ bản sẽ cải thiện gốc rễ khó khăn của doanh nghiệp.

Hiện tại đã có Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất giày Thái Bình (Thái Bình shoes) đã chuyển tổ hợp sản xuất về 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang. Đại diện Thái Bình Shoes cho biết, nếu năm 2015-2016 không nghĩ ra hướng đi này thì hiện tại chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị "cháy" đơn hàng do sản xuất không kịp, hay trong trường hợp công nhân không tăng ca.

Hiện Thái Bình Shoes đã thu hút được 5.000 lao động ở Kiên Giang và 4.000 lao động An Giang. Còn tại trụ sở chính ở Bình Dương, chỉ 40-50 lao động tham gia vào việc thiết kế, nghiên cứu sản phẩm. Dự kiến từ nay đến 2020 Thái Bình Shoes sẽ mở rộng tổ hợp sản xuất về khu vực đồng bằng sông Cửu Long với quy mô khoảng 300.000 m2, cung cấp công ăn việc làm cho gần 20.000 lao động trong khu vực này.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn tiếp cận hệ thống phân phối, Bộ Công Thương đang triển khai đề án đưa hàng Việt Nam trực tiếp vào hệ thống phân phối ở nước ngoài, tức là các siêu thị đang hiện diện hoặc chưa hiện diện ở Việt Nam muốn đưa hàng vào Việt Nam thì phải có trách nhiệm đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Hiện đã có hệ thống phân phối Lotte (Hàn Quốc) có cam kết và đang hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện bao bì, mẫu mã, các tiêu chuẩn để phù hợp khi vào hệ thống siêu thị Lotte ở Hàn Quốc. Sắp tới sẽ triển khai tại các siêu thị như Big C (Thái Lan), hệ thống phân phối tại Italy, Philippines…

Cuối năm nay Bộ Công thương sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung cấp các ngành hàng thời trang, trong đó nhấn mạnh các mặt hàng da giày, túi xách. Đây là những cơ hội tốt để các doanh nghiệp ngành da giày trong nước nắm bắt, tiếp cận với các hệ thống phân phối trong nước và ở nước ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục