Nauy cam kết hỗ trợ hành trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam

16:29' - 28/05/2025
BNEWS Tại hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi các bài trình bày kỹ thuật cung cấp các thông tin cập nhật mới nhất về các công nghệ chủ chốt như điện gió ngoài khơi, hydrogen...
Ngày 28/5, Cục Điện lực (Bộ Công Thương) và Đại sứ quán Nauy tại Hà Nội đã phối tổ chức hội thảo kỹ thuật cấp cao “Hỗ trợ hành trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam”, nhằm thiết lập một nền tảng chiến lược cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch tại Việt Nam.

Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam chia sẻ, hội thảo này khẳng định lại cam kết của Na Uy trong việc hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Từ kinh nghiệm của Na Uy, quá trình này đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan, trong đó có cả khu vực tư nhân.

“Tôi hy vọng rằng kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn toàn cầu của DNV về các hệ thống năng lượng và quản lý rủi ro sẽ có tác dụng hữu ích đối với Việt Nam trên hành tình hướng tới một tương lai năng lượng bền vững, thích ứng và phát thải carbon thấp", Đại sứ Na Uy tại Việt Nam chia sẻ.

Theo ông Trần Hoài Trang, Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương): “Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn trong chuyển dịch năng lượng nhưng cũng cũng nhận thấy cơ hội rõ ràng để phát triển bền vững. Theo đó, phát triển năng lượng tái tạo bao gồm điện gió và điện mặt trời là hướng đi tất yếu nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng cam kết giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó biến đổi khí hậu”.

Ông Hagsung Kim, Phó Chủ tịch Phát triển kinh doanh toàn cầu, giải pháp số của Công ty toàn cầu DNV (chuyên về đảm bảo chất lượng an toàn và quản lý rủi ro, cung cấp dịch vụ cho ngành công nghiệp) nói: “Chương trình phát triển năng lượng cùng tốc độ chuyển đổi năng lượng nhanh chóng của Việt Nam đang mở ra không gian rộng lớn cho đổi mới và sáng tạo. DNV sẽ kết hợp bề dày chuyên môn kỹ thuật sâu rộng và các giải pháp số tiên tiến, để đồng hành với ngành công nghiệp Việt Nam. Từ đó biến những dữ liệu kỹ thuật phức tạp thành các quyết định rõ ràng, dựa trên đánh giá rủi ro toàn diện, nhanh hơn, hiệu quả hơn”.

Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, doanh nghiệp này đã hỗ trợ một loạt các dự án điện gió trên bờ, gần bờ và điện mặt trời tại Việt Nam. Sự tham gia bao gồm thẩm định kỹ thuật, giám sát thi công, nghiên cứu khả thi, đánh giá sản lượng năng lượng và thực hiện chiến dịch đo đạc cho các dự án điện gió ngoài khơi. Doanh nghiệp này cũng đóng vai trò là đơn vị quan chứng nhận và kiểm định cho các trạm biến áp ngoài khơi được chế tạo tại Việt Nam, phục vụ các dự án điện gió ngoài khơi quốc tế.

“Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành một cuộc chuyển mình quan trọng từ cơ cấu phát điện chủ yếu dựa vào than sang một hệ thống năng lượng đa dạng hơn gồm điện mặt trời, điện gió, lưu trữ pin, amoniac xanh và hydro. DNV hy vọng sẽ có vai trò lớn hơn thông qua thế mạnh toàn cầu về các hệ thống năng lượng và quản lý rủi ro”, đại diện DNV bày tỏ.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi các bài trình bày kỹ thuật cung cấp các thông tin cập nhật mới nhất về các công nghệ chủ chốt như điện gió ngoài khơi, hydrogen, công nghệ thu giữ carbon, lưu trữ năng lượng và quản lý rủi ro bằng phương pháp số hóa từ các chuyên gia trong và ngoài nước.

Những nội dung trình bày được xây dựng trên cơ sở củng cố cam kết quốc gia của Việt Nam trong việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tuân thủ các mục tiêu khí hậu toàn cầu và đưa ra định hướng rõ ràng về chính sách, đầu tư và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng, từ đó định hình một lộ trình gắn kết, hướng đến một tương lai bền vững cho ngành năng lượng Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục