Naver tham vọng triển khai dịch vụ điện toán đám mây ở Đông Nam Á

11:56' - 14/11/2021
BNEWS Điện toán đám mây là ngành kinh doanh có tốc độ phát triển theo cấp số nhân trong thời kỳ bùng phát đại dịch COVID-19. Đây là công nghệ cho phép mọi người có thể làm việc và học tập tại nhà.

Naver, nhà mạng Internet hàng đầu của Hàn Quốc tính theo vốn hóa thị trường, đã đạt được mức tăng trưởng doanh số hàng năm hai con số trong lĩnh vực điện toán đám mây suốt thời kỳ dịch bệnh.

Và giờ đây, Naver đang vươn xa hơn sân nhà của mình, nơi cổng thông tin đã biến nhà mạng này trở thành một gã khổng lồ trong lĩnh vực truyền thông và điện toán đám mây là một phần quan trọng trong những tham vọng mới đó.

Để cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn như Google và Amazon, Naver cam kết đầu tư 80% doanh thu hàng năm từ Naver Cloud, một chi nhánh chịu trách nhiệm kinh doanh công nghệ điện toán đám mây, vào việc tuyển dụng nhân sự và nghiên cứu phát triển các công nghệ đám mây tiên tiến.

Thị trường mục tiêu ban đầu để mở rộng kinh doanh điện toán đám mây của hãng sẽ là các quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Naver có thể khai thác một số công ty khởi nghiệp mà họ đã đầu tư vào các quốc gia như Indonesia.

Naver đã đầu tư lớn vào ứng dụng đặt xe Grab, nền tảng thương mại điện tử Indonesia Bukalapak và công ty khởi nghiệp truyền thông POPS Worldwide của Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn báo Joongang Inbo ngày 13/11,  ông Park Jong-yeol, phụ trách bộ phận chiến lược kinh doanh tại Naver Cloud, cho biết về việc mở rộng hoạt động của đơn vị ra nước ngoài Naver trước mắt tập trung vào Singapore để triển khai dịch vụ kinh doanh điện toán đám mây vì đây chính là trung tâm của Đông Nam Á cho các doanh nghiệp tài chính và công nghệ sáng tạo.

Một số dịch vụ điện toán đám mây hiện có của Hàn Quốc đã được cung cấp xong từ tháng 12, Naver sẽ cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng hơn - giống với các dịch vụ ở Hàn Quốc - cho khu vực Đông Nam Á.

Naver quan tâm đến thị trường Indonesia, nơi đóng trụ sở của khoảng một nửa số công ty khởi nghiệp kỳ lân của cả khu vực Đông Nam Á trong đó có công ty Gojek và Bukalapak.

Sự hiện diện của các công ty khởi nghiệp thành công có thể chuyển thành cơ hội kinh doanh cho Naver vì họ có thể sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng đám mây cho doanh nghiệp mới khởi nghiệp.

Việt Nam là một địa điểm được quan tâm khác vì có mối liên kết kinh tế chặt chẽ với Hàn Quốc và có nền văn hóa khá tương đồng với “xứ sở kim chi”.

Tuy nhiên, quy mô thị trường tổng thể cho (điện toán đám mây) ở Việt Nam vẫn còn nhỏ do đó cơ hội cung ứng dịch vụ đám mây cho cả các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số cũng như các doanh nghiệp lớn thấp hơn.

Naver cho rằng sẽ mất một thời gian để thị trường Việt Nam đón nhận nhiều hơn dịch vụ điện toán đám mây. Tuy nhiên, Naver vẫn theo dõi sát thị trường vì Việt Nam là nơi tập trung các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK và Hyosung...

Naver Cloud cho biết, tháng Chín vừa qua, công ty đã thảo luận với các công ty khởi nghiệp fintech (công nghệ tài chính) ở Đông Nam Á để hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh đám mây. Naver đang đặt kỳ vọng lớn vào các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á, thực hiện nhiều vòng đầu tư chiến lược.

Việc tăng cường đầu tư của Naver cũng nhằm mục đích tích hợp các công nghệ và dịch vụ của Naver, bao gồm cả đám mây vào nền tảng của các công ty khởi nghiệp được đầu tư.

Naver Cloud không chỉ kinh doanh dịch vụ điện toán đám mây, công ty này còn triển khai song song các giao dịch giữa “Doanh nghiệp với Doanh nghiệp” bằng cách bán các công cụ độc quyền và quản trị hệ thống cho khách hàng doanh nghiệp.

Chính vì vậy, Naver đang nhắm đến các công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư của Naver ở Indonesia và Việt Nam và không chỉ giới hạn trong lĩnh vực fintech. Naver muốn triển khai dịch vụ với các mảng kinh doanh thương mại điện tử và truyền thông.

Vì vậy, kế hoạch mở rộng kinh doanh điện toán đám mây ở thị trường nước ngoài của Naver song hành với chiến lược đầu tư của hãng.

Trả lời câu hỏi về việc làm sao để thuyết phục khách hàng chọn dịch vụ của mình, đại diện Naver cho biết, Naver chưa nổi tiếng ở Đông Nam Á, trong khi Line messenger đã có sự nhận diện thương hiệu mạnh mẽ ở một số quốc gia.

Song khi quảng cáo chào hàng, Naver thường nhấn mạnh như một công ty kết hợp chuyên môn từ Google và Amazon.

Naver đang vận hành một công cụ tìm kiếm chưa từng bị Google đánh bại và điều hành một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất ở Hàn Quốc.

Người dùng Naver Cloud có quyền truy cập vào nhiều công cụ và dịch vụ bao gồm công cụ tìm kiếm, thương mại điện tử và các tính năng liên quan đến đời sống, phương tiện thanh toán.

Nắm bắt nhu cầu phát sinh trong giai đoạn dịch COVID-19 kèo dài, Naver dự kiến triển khai các dịch vụ mới nhất liên quan đến chức năng phân tích cho người dùng thương mại điện tử và các nền tảng được thiết kế để hỗ trợ phát trực tiếp (live streaming).

Dịch vụ CLOVA AiCall'l được các công ty bảo hiểm đón nhận vì nó cho phép thực hiện các cuộc gọi dịch vụ khách hàng tự động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục