New York soán ngôi thành phố đắt đỏ nhất thế giới của Hong Kong (Trung Quốc)

09:07' - 09/06/2023
BNEWS Hong Kong (Trung Quốc) đã kết thúc chuỗi bốn năm nắm giữ vị trí “thành phố đắt đỏ nhất toàn cầu đối với người nước ngoài” khi bị New York “soán ngôi” trong năm nay.
Theo một cuộc khảo sát do công ty cung cấp dữ liệu thị trường ECA International thực hiện, Hong Kong (Trung Quốc) đã kết thúc chuỗi bốn năm nắm giữ vị trí “thành phố đắt đỏ nhất toàn cầu đối với người nước ngoài” khi bị New York “soán ngôi” trong năm nay.

ECA International đã xếp hạng 207 thành phố dựa trên rổ hàng hóa và dịch vụ hàng ngày mà những người tham gia khảo sát thường mua. Chúng bao gồm thực phẩm, dịch vụ tiện ích, phí giao thông công cộng và các nhu cầu cơ bản khác như đồ gia dụng. Công ty cho biết nghiên cứu nhằm mục đích giúp các tổ chức tính toán khoản trợ cấp sinh hoạt phí cho những nhân viên ở nước ngoài.
 
Theo báo cáo, Hong Kong tụt hạng trong bảng xếp hạng của ECA do mức tăng trong chi phí hàng hóa và dịch vụ hàng ngày đã được kiềm chế phần nào bởi chi phí nhà ở trong thành phố giảm.

Tuy nhiên, Hong Kong vẫn giữ vị trí là địa điểm đắt đỏ nhất ở châu Á đối với người ngoại quốc.

Vị trí đắt đỏ thứ hai ở châu Á là Singapore, tăng tám bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái. Tính trên toàn cầu, Singapore cũng là địa điểm đắt đỏ thứ năm, đánh dấu lần đầu tiên quốc gia này lọt vào top 5 của bảng xếp hạng.

Theo ECA, sự đi lên này chủ yếu là do chi phí cho nơi cư trú tăng nhanh. Việc nới lỏng các hạn chế phòng dịch COVID-19 trước đó ở Singapore đã thúc đẩy nhu cầu thuê chỗ ở tăng cao trong khi nguồn cung không tăng tương xứng.

Song Singapore là một trong số ít địa điểm ở châu Á thăng hạng trong năm nay. ECA cho hay gần như tất cả các địa điểm châu Á được khảo sát đều tụt hạng, với lý do “tỷ lệ lạm phát thấp hơn so với các khu vực khác”. Điều này chỉ ra rằng người nước ngoài thấy cuộc sống ở các thành phố châu Á tương đối rẻ hơn so với phần còn lại của thế giới trong năm qua.

Ví dụ, các thành phố của Trung Quốc như Thượng Hải và Quảng Châu đã rớt khỏi top 10 toàn cầu và hiện xếp hạng 13 và 14 thành phố đắt đỏ nhất thế giới. ECA giải thích việc Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 tương đối muộn đã có tác động đến nền kinh tế của nước này. Ngoài ra, đồng nhân dân tệ yếu hơn so với đồng USD vào năm ngoái dẫn đến chi phí tại các thành phố của Trung Quốc thấp hơn.

Tương tự, đồng nội tệ yếu đi đã xóa nhòa phần nào tác động từ tình trạng lạm phát tăng cao tại các thành phố của Nhật Bản. Thủ đô Tokyo đã đứng vững vị trí thành phố đắt đỏ thứ 5 trên toàn cầu trong 5 năm qua. Nhưng trong bảng xếp hạng năm nay, thành phố đã tụt 5 bậc xuống vị trí thứ 10.

Tại Mỹ, xếp hạng cho tất cả các thành phố đều tăng trong năm nay do đồng USD mạnh cũng như “sự gia tăng đáng kể” trong chi phí thuê nhà. Theo khảo sát, New York tăng một bậc lên vị trí đầu tiên, trong khi San Francisco tăng bốn bậc từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 7./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục