Nga chủ động các biện pháp ổn định kinh tế trong tình hình khủng hoảng

07:00' - 09/04/2022
BNEWS Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Mishutin vừa trình bày báo cáo thường niên của chính phủ trước các đại biểu Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đề cập tình hình thực tế của nền kinh tế.

Theo thông lệ hàng năm, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Mishutin vừa trình bày báo cáo thường niên của chính phủ trước các đại biểu Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đề cập tình hình thực tế của nền kinh tế và việc quản lý nền kinh tế trong một “khoảng thời gian đặc biệt”, bắt đầu từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cho đến nay.

 

Theo Thủ tướng Mishustin, trong bối cảnh đối phó với đại dịch COVID-19, nội các Nga đã phát triển các cơ chế, nguyên tắc phát triển kinh tế mới. Theo đó, nòng cốt là tạo sự đổi mới trong tương tác công việc giữa các cơ quan hành pháp liên bang với các cơ quan hành chính khu vực, tổ chức chuyển đổi sang một trật tự thông tin công nghệ mới.

Điều này đã trở thành nền tảng của sức mạnh kinh tế, giúp duy trì sự ổn định của nền kinh tế, tạo điều kiện ứng phó với các lệnh trừng phạt vào năm 2022.

Trong năm 2021, Chính phủ Nga đã thành công trong việc thay đổi hướng phát triển kinh tế từ hướng tài chính-đầu cơ và dịch vụ-nguyên liệu thô sang lĩnh vực thực sự của nền kinh tế, các ngành có hàm lượng giá trị gia tăng cao và lĩnh vực xã hội.

Năm 2021, nền kinh tế Nga đạt mức tăng trưởng GDP 4,7%, trong đó sản xuất chế tạo máy đóng góp 10% tăng trưởng, xuất khẩu phi tài nguyên phi năng lượng chiếm 40% tăng trưởng. Ngoài ra, kinh tế Nga mở rộng đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Mishutin đánh giá cuộc cải cách đã mang lại những kết quả cụ thể ban đầu trong lĩnh vực xã hội, ảnh hưởng đến mức sống trung bình của người dân. Bên cạnh việc ứng phó cấp bách với đại dịch COVID-19, Chính phủ Nga thúc đẩy cải cách ngành y tế, khắc phục những điểm yếu của hệ thống y tế trong nước trong giai đoạn 2010-2019.

Trong đó, trên cả nước Nga đã sửa chữa, nâng cấp và xây mới hơn 1.000 phòng khám đa khoa, hơn 3.000 trạm y tế được khôi phục và xây dựng để phục vụ cho 8 triệu người dân nông thôn, và khoảng 37.000 thiết bị y tế tinh vi đã được mua sắm.

Hỗ trợ xã hội dưới hình thức chi trả và trợ cấp đã được cung cấp cho 43 triệu người về hưu, 21 triệu học sinh, người tàn tật và cựu chiến binh. Chính phủ Nga cũng tăng chi tiêu cho các hạng mục ngân sách xã hội nói chung.

Trong đó, hàng trăm trường học và mẫu giáo mới đã được xây dựng và 7,5 triệu học sinh được cung cấp bữa ăn nóng miễn phí.

Theo Thủ tướng Mishutin, việc thực hiện Học thuyết An ninh Lương thực, được thông qua vào tháng 1/2020, dẫn đến sự độc lập tối đa của Nga trong vấn đề nhập khẩu lương thực, đảm bảo cung cấp ngũ cốc (149%), cá (153%), thịt (100,3%) cho nhu cầu nội địa.

Ngoài ra, Chính phủ Nga đề xuất một chương trình hành động toàn diện, bao gồm: Đảm bảo hoạt động liên tục của các ngành công nghiệp và doanh nghiệp cơ bản; Hỗ trợ tinh thần kinh doanh và mở rộng quyền tự do của doanh nghiệp thông qua việc tối ưu hóa các văn bản quy định;

Đảm bảo về mặt xã hội cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương; Ổn định thị trường tiêu dùng và tăng trưởng của nhu cầu tiêu dùng; Hỗ trợ nền kinh tế trong các lĩnh vực chống lại hầu hết các biện pháp trừng phạt.

Theo người đứng đầu Chính phủ Nga, trong điều kiện Ngân hàng Trung ương đưa ra tỷ lệ chủ chốt 20%, ngăn cản sự luân chuyển tài chính chính thức và tăng trưởng đầu tư trong nước, Nội các buộc phải sử dụng các biện pháp xoay vòng, đảm bảo sự ổn định tài chính của khu vực thực của nền kinh tế.

Theo đó, các doanh nghiệp quan trọng về mặt hệ thống sẽ được đưa vào các chương trình cho vay ưu đãi (120 tỷ ruble), dự kiến sẽ tăng cường tương tự cho nông dân và khu liên hợp nhiên liệu và năng lượng. Tình trạng nợ công của các khu vực đối với các ngân hàng thương mại đang giảm dần.

Chính phủ Nga cung cấp các nguồn lực bổ sung cho lĩnh vực Công nghệ thông tin và thay thế nhập khẩu, cùng với việc nhập khẩu song song, loại bỏ các hạn chế của phương Tây.

Người đứng đầu Chính phủ Nga khẳng định sẽ phối hợp với các nước thân thiện nhằm đề xuất một số biện pháp chống trừng phạt kinh tế đối ngoại cho phép chủ động định hình bản chất của ngoại thương theo các điều khoản cùng có lợi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục