Nga: Còn quá sớm để đưa ra những bước đi bổ sung 'cứu' giá dầu

21:49' - 22/04/2020
BNEWS Trong phiên giao dịch chiều 22/4, giá dầu tại thị trường châu Á đã quay trở lại quỹ đạo giảm, với giá dầu Brent tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999.

Ngày 22/4, Nga cho rằng hiện còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về những bước đi bổ sung khả thi nhằm ngăn chặn giá dầu sụt giảm trước khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng được Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, đạt được mới đây có hiệu lực vào ngày 1/5 tới.
Trả lời báo giới khi được hỏi về những biện pháp bổ sung tiềm tàng mà Nga có thể đưa ra liên quan tới giá dầu giảm, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: "Chúng ta nên đưa ra một sự phân tích chỉ khi thỏa thuận của OPEC+ bắt đầu có hiệu lực. Giờ chúng ta vẫn phải đợi".
Trong phiên giao dịch chiều 22/4, giá dầu tại thị trường châu Á đã quay trở lại quỹ đạo giảm, với giá dầu Brent tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999. Thị trường năng lượng tiếp tục “vật lộn” với tình trạng dư cung, trong khi nhu cầu nhiên liệu sụt giảm mạnh do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Chiều phiên này, vào lúc 2 giờ 11 phút giờ Việt Nam, tại thị trường Tokyo của Nhật Bản, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2020 giảm 2,37 USD (12%), xuống 16,96 USD/thùng.

Giá dầu này có thời điểm trong phiên đã “bốc hơi” 24%, xuống còn 15,98 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 6/1999. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao cùng kỳ hạn cũng lùi 51 xu Mỹ (4,4%), xuống 11,06 USD/thùng.
Đà giảm của giá dầu trong phiên này diễn ra sau khi thị trường dầu mỏ thế giới vừa chứng kiến những ngày “lao dốc” lịch sử, khi nguồn cung dầu dường như sẽ có xu hướng “áp đảo” nhu cầu tiêu thụ trong vài tháng tới và thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không thể bù đắp cho sự dư thừa này.
Giá dầu thế giới đã mất khoảng 80% kể từ đầu năm nay, khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, làm chao đảo các thị trường tài chính và đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi những năm 1930.
Sự bùng phát của dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu nhiên liệu giảm khoảng 30% trên toàn thế giới và các công ty năng lượng ở Mỹ, nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, phải cạnh tranh để tìm kho dự trữ dầu dư thừa. Goldman Sachs cho rằng đây là hậu quả trực tiếp của việc đầu tư quá mức vào thời điểm xảy ra cú sốc nhu cầu đột ngột, trong bối cảnh các kho lưu trữ và hoạt động vận chuyển còn hạn chế./.

>>Australia tận dụng giá dầu rẻ để phát triển kho dự trữ chiến lược


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục