Nga: Cú sốc kinh tế định hình lại các ngành công nghiệp

06:30' - 01/07/2024
BNEWS Báo Độc lập của Nga số ra mới đây bình luận, trong cuộc đối đầu với các lệnh trừng phạt của phương Tây, hai nhóm ngành đã được hình thành ở Nga là nhóm “nạn nhân” và nhóm “hưởng lợi”.

Một nghiên cứu mới của Trung tâm Phân tích Kinh tế Vĩ mô và Dự báo Ngắn hạn (TsMAKP) cho thấy những tổn thất chính thuộc về các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu. Và người chiến thắng là những công ty đảm bảo cho nhu cầu trong nước. Các chuyên gia nhận định, động lực hiện nay cho thấy sự phân chia này của các doanh nghiệp Nga sẽ còn tiếp tục. Sự hỗ trợ của chính phủ và nhu cầu trong nước sẽ vẫn là điều kiện then chốt cho tăng trưởng sản xuất.

Nền kinh tế Nga đã phải đối mặt với những cú sốc lớn từ bên ngoài kể từ năm 2022. Nguyên nhân dẫn đến những cú sốc này là việc ngừng hợp tác với các đối tác nước ngoài, đóng cửa một số thị trường xuất khẩu truyền thống và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng truyền thống. Theo các chuyên gia TsMAKP, thêm vào đó là việc đóng cửa tiếp cận thị trường tài chính bên ngoài, giá hàng hóa toàn cầu và tỷ giá hối đoái biến động mạnh.

Cùng với những hệ lụy tiêu cực, cũng có những chuyển biến tích cực đối với một số ngành. Cụ thể, quy mô nhu cầu của chính phủ gần đây đã mở rộng đáng kể. Quá trình thay thế nhập khẩu được đẩy nhanh, các chương trình cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp được triển khai, giúp bù đắp cho mức lãi suất cao trên thị trường.

Qua phân tích động lực sản xuất, các nhà nghiên cứu xác định được hai nhóm ngành công nghiệp ở nước Nga: nhóm nạn nhân và nhóm hưởng lợi. Nhóm đầu tiên gồm lĩnh vực xuất khẩu nguyên liệu thô, cũng như một số ngành sản xuất nhất định gắn với việc cung cấp nguyên liệu và/hoặc linh kiện nhập khẩu. Nhóm thứ hai là các ngành công nghiệp tập trung vào các phân khúc nhu cầu trong nước đang tăng trưởng nhanh chóng (các đơn hàng quốc phòng, đầu tư cơ sở hạ tầng và các phân khúc dân sự với nhu cầu thay thế hàng nhập khẩu ngày càng tăng).

Bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các cú sốc bên ngoài chủ yếu là các công ty tham gia vào các ngành khai thác nguyên liệu thô, khai thác gỗ và sản xuất chế biến gỗ, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, công nghiệp hóa chất, luyện kim và công nghiệp ô tô. Tất cả các ngành này đều phải đối mặt với tình trạng tài chính xấu đi, mặc dù trên thực tế, các ngành này chiếm tới 37% doanh thu của tất cả các lĩnh vực sản xuất vật chất, ngoại trừ tổ hợp dầu khí.

 

Nguyên nhân khiến tình hình tài chính của nhóm ngành này suy giảm cũng khác nhau. Ngành xuất khẩu và nguyên liệu thô bị ảnh hưởng chủ yếu do các thị trường xuất khẩu đóng cửa (cú sốc cầu), còn các ngành tập trung vào thị trường nội địa phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nhập khẩu (ngành ô tô, dược phẩm) bị ảnh hưởng chủ yếu do sự rút lui của nhà đầu tư và hạn chế cung cấp nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu.

Đối với các nguyên liệu thô, việc đóng cửa các thị trường truyền thống dẫn đến nhu cầu cơ cấu lại hoạt động logistics (dịch vụ hạ tầng).  Ví dụ về lâm nghiệp và chế biến gỗ, doanh thu trong hai năm diễn ra xung đột Nga-Ukraine (2022-2023) giảm lần lượt là 26% và 21% so với năm 2021. Trong số các ngành phi tài nguyên, ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là vận tải cơ giới, doanh thu trong hai năm đó cũng giảm 32% so với năm 2021.

Do đó, theo các chuyên gia, để duy trì nhu cầu, thâm nhập các thị trường mới và duy trì nguồn cung nguyên liệu, vật liệu và linh kiện, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã phải giảm lợi nhuận bằng cách đưa ra các chính sách giảm giá đối với sản phẩm. Báo cáo của các nhà kinh tế TsMAKP kết luận: “Một yếu tố nữa dẫn đến sự suy giảm lợi nhuận là sự biến động vô cùng không ổn định của giá bán sản phẩm, không tương ứng với sự biến động của chi phí, dẫn đến biến động cao và cuối cùng là giảm lợi nhuận trong nhóm ngành này”.

Trung bình, ở nhóm “bị ảnh hưởng”, lợi nhuận trong hai năm 2022-2023 giảm 10% so với mức tương ứng của năm 2021. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, bất chấp điều này, mức lợi nhuận của nhóm này nhìn chung vẫn cao hơn mức trung bình của nền kinh tế. Các nhà khoa học chỉ lo ngại về sự sụt giảm lợi nhuận trong chế biến gỗ và khai thác than, theo đó mức giảm trong hai năm lần lượt là 20% và 16%.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng tất cả các ngành “bị ảnh hưởng” bằng cách này hay cách khác đều phải hứng chịu sự biến động cao của tỷ giá đồng ruble và giá hàng hóa thế giới. Ngược lại, nhóm ngành “hưởng lợi”, tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa, hóa ra lại ít nhạy cảm hơn trước những biến động của tỷ giá đồng ruble. Nhóm ngành này chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp công nghiệp nhẹ: sản xuất dệt may, da và đồ da; sản xuất sản phẩm kim loại, máy móc, thiết bị và thành phẩm khác; sản xuất máy tính, sản phẩm điện tử và quang học, thiết bị điện.

TsMAKP phân tích: “Tỷ trọng của nhóm này trong tổng doanh thu của các ngành thuộc lĩnh vực sản xuất vật chất lên tới trung bình 13% giai đoạn 2022–2023”. Và trên thực tế, do áp lực của các lệnh trừng phạt, chính các nhà sản xuất quần áo, sản phẩm kim loại, thiết bị điện, máy móc thiết bị,...đã cải thiện đáng kể tình hình tài chính của họ. Tính toán của TsMAKP cho thấy, kết quả là trong hai năm qua, lợi nhuận của nhóm “hưởng lợi” đã tăng trung bình 5%.

Các nhà nghiên cứu kết luận: “Các ngành này bắt đầu thu hút nhiều khoản vay hơn, nhưng do doanh thu tăng nhanh, điều này không dẫn đến gánh nặng nợ gia tăng không mong muốn”. Trong hai năm, mức tăng nợ ngân hàng ở nhóm ngành này trung bình là 35%. Tuy nhiên, nhờ được ngân sách hỗ trợ một phần lãi suất cũng như tình hình sinh lời tích cực, các ngành này có thể trả lãi cho các khoản vay mà không gặp bất kỳ khó khăn nào.

Các chuyên gia cho biết: “Động lực doanh thu trong các ngành này thậm chí còn cao hơn, do đó gánh nặng nợ không tăng lên”. Họ cũng kỳ vọng tình hình tài chính của các ngành này sẽ tiếp tục mạnh mẽ và nhu cầu về sản phẩm của các công ty thuộc nhóm “hưởng lợi” sẽ tăng trưởng hơn nữa. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục