Nga và Saudi Arabia liệu có rút khỏi giao dịch dầu mỏ bằng đồng USD?

06:02' - 06/11/2017
BNEWS Theo mạng Ria.ru, giới quan sát có thể đánh giá phản ứng của phương Tây trước sự xích lại gần nhau giữa Ryiadh và Moskva sau vài tuần trôi qua kể từ chuyến thăm tới Nga của Quốc vương Saudi Arabia.
Nga và Saudi Arabia liệu có rút khỏi giao dịch dầu mỏ bằng đồng USD? Ảnh: AFP/TTXVN

Những động thái của Hoàng gia Saudi Arabia có thể khiến phương Tây bực tức. Trước hết là việc đưa Nga tham gia vào thỏa thuận với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), phá vỡ kế hoạch bóp nghẹt nền kinh tế Nga của Mỹ. Động thái thứ hai là việc Saudi Arabia mua tên lửa S-400 của Nga.

Qua những thông tin trên truyền thông phương Tây, rất có thể quyết định gây áp lực đối với Saudi Arabia “bằng đồng USD dầu mỏ” (đồng USD thu được từ xuất khẩu dầu mỏ) chính là thông qua việc phá hoại giao dịch trái phiếu của công ty dầu khí quốc gia Saudi Aramco, dự án kinh tế vốn tạo dựng hình ảnh  của Hoàng gia Saudi Arabia.

Nếu trước kia các sàn chứng khoán New York và London tranh giành với nhau quyền được giao dịch trái phiếu của công ty có giá trị thị trường lên tới 2.000 tỷ USD này, thì giờ đây họ lại đang tích cực bàn tán về việc công ty Saudi Aramco sẽ phải hoãn vô thời hạn việc “lên sàn”. 

Theo giả thuyết của tờ Financial Times, quan hệ gần gũi giữa công ty và chính quyền Saudi Arabia bỗng nhiên trở thành lực cản đối với các nhà quản lý thị trường tài chính Anh và Mỹ.

 Hiện xuất hiện thông tin rằng các chuyên gia đang định giá công ty Saudi Aramco chỉ còn 1.000 tỷ USD. Vì sao giá trị của công ty trên lại giảm tới 50% trong khi giá dầu mỏ đã tăng so với thời điểm công bố kế hoạch giao dịch trái phiếu? 

Nguyên nhân có thể có nhiều, song người ta không loại trừ việc Saudi Arabia đang bị “nhắc nhở” rằng chính sách đa cực và việc tìm kiếm cải thiện quan hệ với Moskva của họ có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực.

 Saudi Arabia đang tiến hành những cải cách kinh tế và xã hội quan trọng với kế hoạch đầy tham vọng sẽ đưa nước này ra khỏi mô hình nền kinh tế nguyên liệu vào năm 2030.

Tuyên bố của Hoàng tử kế vị Mohammed bin Salman bin Abdul-Aziz Al Saud nhằm đưa đất nước quay trở lại “chủ nghĩa Hồi giáo ôn hòa” được xem như tuyên ngôn về cải cách hệ tư tưởng của vương quốc cũng như vai trò của Hoàng gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó, chính quyền cần đưa “người khổng lồ” dầu mỏ Saudi Aramco “lên sàn” quốc tế vì lý do về tài chính và hình ảnh của Hoàng gia.

 Nhìn từ bên ngoài, một số ý kiến có thể cho rằng Mỹ sẽ buộc Saudi Arabia phải chấm dứt hợp tác với Nga vì quốc gia vùng Vịnh này còn vài điểm yếu khác để Mỹ có thể nhắm vào.

Tuy nhiên, Saudi Arabia cũng có biện pháp gây thiệt hại kinh tế vô cùng to lớn cho Mỹ, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng dài hạn đối với cả hệ thống tài chính của Mỹ.

 Saudi Arabia có thể tiêu diệt “đồng USD dầu mỏ”. Hiện nay, Trung Quốc đang tiến rất gần đến một hệ thống chứng khoán kép, trong đó các nhà xuất khẩu “vàng đen” có thể bán dầu mỏ để đổi lấy Nhân dân tệ (NDT) tại Thượng Hải và đổi ngay đồng tiền được tự do lưu hành tại nước ngoài này thành vàng ở thị trường Hong Kong.

Mô hình “dầu mỏ-NDT-vàng” sẽ hoàn toàn giải phóng các nhà xuất khẩu khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD, đồng thời tước đi của Mỹ dòng thu USD dầu, vốn thường được đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ.

 Truyền thông Mỹ đánh giá mô hình này khá tiêu cực, hãng Bloomberg và CNBC cho rằng triển vọng còn xa vời nhưng khó có thể phủ nhận tính thực tiễn. Bên cạnh đó, Nga lại có biện pháp đẩy nhanh triển vọng đó và tối đa hóa thiệt hại của hệ thống tài chính Mỹ.

Ví dụ như tăng tốc giao dịch dầu mỏ trên các sàn của Nga và bằng đồng ruble tại sàn chứng khoán hàng hóa-nguyên liệu Saint Petersburg, nơi đã phát hành trái phiếu kỳ hạn cho dầu mác Urals của Nga.

 Bên cạnh đó, thỏa thuận Nga+OPEC cho thấy hợp tác giữa Moskva và Ryiadh có thể tác động mạnh đến thị trường năng lượng thế giới. Khả năng hai nước này cùng rút khỏi giao dịch dầu mỏ bằng đồng USD rất có thể gây ra một cuộc cách mạng thật sự trong hệ thống tài chính toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục