Ngân hàng Dự trữ New Zealand ngỏ khả năng sớm tăng lãi suất vào tháng 9/2022

07:34' - 28/05/2021
BNEWS Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) ngày 26/5 đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản, song vẫn để ngỏ khả năng sẽ sớm tăng lãi suất vào tháng 9/2022.

Điều này đã khiến New Zealand trở thành một trong những nền kinh tế phát triển đầu tiên báo hiệu động thái rút khỏi các gói kích thích kinh tế quy mô lớn được thông qua trong đại dịch COVID-19.

Tại cuộc họp chính sách mới nhất vừa diễn ra, RBNZ đã quyết định giữ lãi suất ở mức mức thấp kỷ lục 0,25%, nhưng cho biết mức lãi suất này có thể được tăng ít nhất 25 điểm cơ bản vào tháng 9/2022.

Lập trường này trái ngược với sự ôn hòa kiên định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Dự trữ Australia, vốn từng tuyên bố rằng họ sẽ không tăng lãi suất ít nhất cho đến năm 2024.

RBNZ dự đoán tỷ lệ tiền mặt chính thức (OCR) của ngân hàng này sẽ đạt 1,5% vào cuối năm 2023 và 1,78% vào cuối năm 2024, đồng thời nhấn mạnh kỳ vọng rằng các dữ liệu kinh tế tích cực gần đây sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách toàn cầu sớm thắt chặt tỷ lệ lãi suất.

Tuy nhiên, thị trường phản ứng không quá mạnh với thông tin này, với đồng NZD của New Zealand tăng 1% lên 0,7308 USD/NZD, mức cao nhất kể từ ngày 26/2/2021.

Nhà kinh tế trưởng Sharon Zollner của ngân hàng ANZ cho biết, trước những rủi ro và thách thức tiềm ẩn, RBNZ vẫn tin rằng các chương trình kích thích kinh tế mạnh mẽ đang diễn ra là cần thiết, nhưng không phải là “vô thời hạn”.

New Zealand, cùng với Canada và Na Uy là các nước đầu tiên mà ngân hàng trung ương của họ “tắt” chế độ khủng hoảng khi việc triển khai vaccine trên toàn cầu diễn ra thuận lợi và triển vọng phục hồi kinh tế thế giới được nâng cao.

RBNZ vẫn tiếp tục chương trình mua tài sản quy mô lớn (LSAP) nhưng thừa nhận chương trình không thể đạt được giới hạn 100 tỷ NZD (72,18 tỷ USD) vào cuối tháng 6/2022. Ngân hàng này cũng giữ nguyên Chương trình Cấp vốn cho vay (FLP).

Thành công của New Zealand trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 cho phép nước này mở cửa lại nền kinh tế và thiết lập một "bong bóng du lịch" với nước láng giềng Australia, thúc đẩy việc làm và chi tiêu của người tiêu dùng.

Tăng trưởng kinh tế New Zealand cũng được hỗ trợ bởi sự tăng vọt về giá của các mặt hàng chủ chố, đặc biệt là sữa.

Tuy nhiên, RBNZ đã không vội tăng lãi suất cho đến khi mục tiêu lạm phát và việc làm được đáp ứng, giữa bối cảnh sự phục hồi kinh tế trong nước vẫn chưa đồng đều./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục