Ngân hàng Đức chịu áp lực lớn từ khủng hoảng bất động sản văn phòng ở Mỹ

09:41' - 12/02/2024
BNEWS Nạn nhân mới nhất của cuộc khủng hoảng này là các ngân hàng Pfandbriefbank (PBB) và Deutsche Bank (DB) của Đức.
Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Mỹ, đặc biệt là bất động sản văn phòng, đang trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng đối với các ngân hàng châu Âu. Nạn nhân mới nhất của cuộc khủng hoảng này là các ngân hàng Pfandbriefbank (PBB) và Deutsche Bank (DB) của Đức, cả hai đều tham gia sâu vào thị trường bất động sản văn phòng ở Mỹ.

Trước đó, cổ phiếu PBB trong phiên giao dịch ngày 7/2 đã giảm tới 6% xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 4,65 euro. Trong phiên, cổ phiếu này có lúc phục hồi đôi chút, nhưng về cuối phiên lại tiếp cận mức thấp kỷ lục.

 
Cổ phiếu của ngân hàng Deutsche Bank cũng chịu áp lực đáng kể trong phiên giao dịch cùng ngày và tạm thời mất hơn 4% giá trị. Trong số tất cả các ngân hàng Đức, tổ chức tài chính ở Frankfurt này đầu tư lớn nhất vào thị trường bất động sản thương mại Mỹ, với giá trị danh mục đầu tư lên tới 17 tỷ euro, trong đó 41% là bất động sản văn phòng.

Giám đốc tài chính James von Moltke của Deutsche Bank cho biết tại cuộc họp báo thường niên vào tuần trước đó rằng danh mục đầu tư của DB có chất lượng tương đối cao, nhưng cũng sẽ không thể tránh khỏi thua lỗ do thị trường bất động sản văn phòng Mỹ sa sút. Tuy nhiên, Deutsche Bank nhấn mạnh rằng đầu tư vào thị trường văn phòng Mỹ chỉ chiếm 1,5% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng.

Các tổ chức tài chính khác của Đức cũng tham gia vào thị trường bất động sản thương mại Mỹ, trong đó ngân hàng Aareal đầu tư 8,6 tỷ euro, Landesbank Hessen-Thüringen (Helaba) đầu tư ở Bắc Mỹ 10,3 tỷ euro, và Landesbank Baden-Württemberg đầu tư 5,8 tỷ euro.

Nguyên nhân ngay lập tức dẫn đến những biến động này là các vấn đề của ngân hàng cỡ trung New York Community Bancorp (NYCB) của Mỹ. Cổ phiếu của ngân hàng này giảm xuống mức thấp nhất trong 27 năm trong tuần này, mất 45% giá trị chỉ trong hai ngày. Cơ quan xếp hạng Moody's đã hạ xếp hạng tín dụng của tổ chức này xuống mức "rác" vào ngày 6/2, cho thấy nguy cơ vỡ nợ cao.

Đằng sau cuộc khủng hoảng sâu rộng trên thị trường bất động sản Mỹ là xu hướng làm việc tại nhà. Trong quý IV năm ngoái, Mỹ có nhiều văn phòng trống hơn bao giờ hết. Theo dữ liệu từ bộ phận phân tích của Moody‘s, tỷ lệ trống văn phòng là 19,6%. Các đô thị như San Francisco, Los Angeles và New York bị ảnh hưởng nhiều hơn các thành phố khác của Mỹ.

Các chuyên gia không cho rằng sẽ có sự sụp đổ diện rộng ảnh hưởng đến tất cả các ngân hàng cùng một lúc nhưng gần 4 năm sau khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, hậu quả của việc không cho thuê được văn phòng vẫn đang ảnh hưởng đến các tổ chức tài chính trên khắp thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục