Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về việc ngân hàng thương mại tăng, giảm lãi suất

14:47' - 27/03/2017
BNEWS Theo Ngân hàng Nhà nước, trong lúc lãi suất huy động tiền đồng của một số ngân hàng TMCP tăng, thì thị trường lại xuất hiện không ít ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND từ 0,1-0,3%/năm.
Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: wikipedia

Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết, việc các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng/giảm lãi suất trong thời gian gần đây theo chiến lược kinh doanh và điều kiện thị trường là hết sức bình thường.

Do nhu cầu vốn tại một thời điểm nhất định, một số ngân hàng thương mại cổ phần có thể tăng lãi suất cục bộ và tạm thời nhưng sau đó lại điều chỉnh giảm phù hợp với cung-cầu thị trường.

Thực tế thanh khoản của cả hệ thống ngân hàng hiện vẫn đang trong trạng thái khá dồi dào, thị trường không có áp lực tăng lãi suất. Do đó, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn giữ ổn định.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong lúc lãi suất huy động tiền đồng của một số ngân hàng thương mại cổ phần tăng, thì thị trường lại xuất hiện không ít ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND từ 0,1-0,3%/năm.

Cụ thể, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng giảm từ 0,1-0,3%/năm các kỳ hạn, mức giảm lên đến 0,3% đối với kỳ hạn 15 tháng, xuống còn 7,3%/năm; các kỳ hạn 7 và 12 tháng giảm 0,1%, xuống tương ứng 6,9% và 7,1%/năm.

Tại Ngân hàng thương mại Bản Việt giảm 0,1% kỳ hạn 6 tháng, giảm kỳ hạn dài từ 18 đến 60 tháng 0,1%, xuống còn 7,8%/năm.

Tương tự, tại Ngân hàng thương mại Việt Nam Thương tín giảm từ 0,1-0,3%/năm kỳ hạn 7 tháng, 12 tháng, 15 tháng, Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế giảm 0,1-0,3%/năm tất cả các kỳ hạn; trong đó lãi suất huy động cho kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,1%, còn 5,1%/năm; kỳ hạn từ 3-5 tháng, giảm 0,3% còn 5,2%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng giảm 0,15% về 5,6%/năm; các kỳ hạn trên 12 tháng giảm 0,05% còn 7,1%/năm.

Trong khi đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải giảm 0,2% mức lãi suất huy động kỳ hạn 18-36 tháng, từ 7,4% còn 7,2%. Còn Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á thông báo giảm lãi suất 0,1%/năm kỳ hạn 1 tháng.

Khoảng giữa tháng 2, một số ngân hàng cổ phần thương mại đã tăng lãi suất huy động. Chẳng hạn, Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam đã áp dụng mức lãi suất lên 8%/năm ở 2 kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng.

Ngân hàng Đại Dương cũng tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 11 tháng và 12 tháng lên 7,3%/năm. Hay Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam áp dụng lãi suất kỳ hạn 36 tháng là 7,1%/năm, tăng 0,1% so với hồi đầu tháng 2.

Đáng chú ý, một số ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất hấp dẫn thông qua sản phẩm chứng chỉ tiền gửi. Như Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng có gói chứng chỉ tiền gửi lãi suất lên đến 9,2%/năm cho kỳ hạn 5 năm hay Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín với lãi suất 8,88%/năm cho kỳ hạn 7 năm.

Bác Nguyễn Hồng Sâm ở Mỹ Đình, Hà Nội cho biết, đang cân nhắc việc chuyển sang gói chứng chỉ tiền gửi vì lãi suất hấp dẫn có ngân hàng tới 9,2% năm. Trong khi bác đang gửi tiết kiệm tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam hưởng lãi suất 6,5%/năm.

Tuy nhiên, tỏ ra am hiểu hơn, bác Nguyễn Kim Thành ở Linh Đàm, Hà Nội phân tích, chứng chỉ tiền gửi áp dụng mức lãi suất cao chỉ được áp dụng cho các kỳ hạn rất dài lên tới 5-7 năm.

“Tuổi già, ốm đau bệnh tật chẳng biết thế nào nên tôi sẽ vẫn chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng đến 1 năm tại ngân hàng uy tín. Có việc cần còn rút ra sử dụng, chứ gửi thời hạn dài quá, lúc rút chưa đến kỳ lại chịu thiệt” – Bác Thành cho biết./.

>>> Fed nâng lãi suất: Thị trường không nổi sóng nhưng có thể gây áp lực lên tỷ giá

>>> Các ngân hàng trên thế giới điều chỉnh chính sách sau khi Fed tăng lãi suất

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục