Ngân hàng Nhà nước: Linh hoạt các công cụ kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền

14:59' - 13/02/2021
BNEWS Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã trao đổi xung quanh vấn đề định hướng, chiến lược và quyết tâm mới của ngành ngân hàng trong năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025.

Giai đoạn 2015 - 2020, ngành ngân hàng đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, khẳng định được vai trò là huyết mạch của nền kinh tế.

Bước sang giai đoạn 2021-2025, ngành ngân hàng đã có nhiều kế hoạch để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã trao đổi xung quanh vấn đề định hướng, chiến lược và quyết tâm mới của ngành ngân hàng trong năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025.

Phóng viên: Xin Phó Thống đốc cho biết những kết quả nổi bật của ngành ngân hàng trong giai đoạn 2015 - 2020, cũng như những nỗ lực để mang lại kết quả đó?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Giai đoạn 2015-2020, nền kinh tế Việt Nam có thế và lực thuận lợi nhờ kế thừa thành tựu 30 năm nổi mới khi những nỗ lực cải cách cơ cấu kinh tế bắt đầu đơm hoa, kết trái.

Những dấu ấn kinh tế nổi bật đó có sự đóng góp hết sức tích cực, quan trọng của hệ thống ngân hàng - mạch máu của nền kinh tế, thể hiện trên 4 lĩnh vực chính.

Theo đó, hiệu lực, hiệu quả truyền dẫn của chính sách tiền tệ ngày càng nâng cao.

Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững; điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát, kiên định điều hành giảm lãi suất trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo cân bằng lợi ích của người đi vay và người gửi tiền; ổn định tỷ giá, giữ vững giá trị đồng Việt Nam; thị trường tiền tệ, ngoại hối và thị trường vàng ổn định, thông suốt.

Bên cạnh đó, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu có bước đột phá cơ bản trên cơ sở phát hiện và hoàn thiện những “nút thắt” trong khung pháp lý hiện hành.

Đến cuối năm 2020, sự ổn định, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng được giữ vững, hầu hết tổ chức tín dụng đạt tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật (khoảng 11,65%); năng lực tài chính các tổ chức tín dụng được củng cố; chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được duy trì dưới 3%; quy mô hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục tăng; năng lực quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng từng bước được nâng cao, tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Đồng thời, hệ thống thanh toán được kiểm soát và vận hành an toàn, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều tiến bộ vượt bậc.

Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

Các tổ chức tín dụng đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại như thanh toán trên thiết bị di động, áp dụng xác thực vân tay, sinh trắc, sử dụng mã phản hồi nhanh...

Đồng thời, thanh toán ngân hàng được đẩy mạnh đối với các dịch vụ công, góp phần không nhỏ trong việc hạn chế sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế.

Phóng viên: Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của ngành ngân hàng được đánh giá cao. Xin Phó Thống đốc cho biết một số kết quả nổi bật của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19?

Phó Thống đốc: Năm 2020 là một năm đi vào lịch sử thế giới với những thách thức chưa từng có.

Dịch bệnh COVID-19 đã và đang lan rộng trên thế giới là một cú sốc lớn đối với hoạt động xã hội, kinh tế của toàn thế giới, gây ra nhiều khó khăn và hệ lụy cho các doanh nghiệp và các quốc gia.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng vay vốn, xây dựng chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng bám sát với thực tế để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Đặc biệt, đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/3/2020, tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, giúp người dân và doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ để tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh; ban hành Chỉ thị 02/CT-Ngân hàng Nhà nước ngày 31/3/2020 chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.

Sự vào cuộc sớm, chủ động và quyết liệt của ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực; tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu phục hồi khi cầu tín dụng bắt đầu tăng, đến ngày 31/12/2020, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 12,13% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,65%).

Tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, nhu cầu vốn cho các dự án trọng điểm được đáp ứng kịp thời.

Đặc biệt, tất cả các tổ chức tín dụng (kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài) đều vào cuộc mạnh mẽ, sử dụng nguồn nội lực tài chính của mình thông qua việc tiết giảm chi phí, cắt giảm lương, giảm lợi nhuận, không chia cổ tức... để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Đến nay, toàn ngành đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng.

Đối với cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân với tổng dư nợ là 20,72 tỷ đồng cho 137 người sử dụng lao động, số lao động được hỗ trợ là 5.200 người.

Các giải pháp ngành ngân hàng triển khai trong thời gian qua, đặc biệt là giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ được thực hiện bằng chính nguồn lực của các tổ chức tín dụng từ việc tiết kiệm triệt để chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận kinh doanh, trên tinh thần chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng với khách hàng vay vốn, đã phát huy tác dụng giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp trong trả nợ vay ngân hàng và tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục vay mới khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh.

Phóng viên: Bước sang năm mới, mỗi cơ quan, đơn vị đều vạch ra những định hướng, chiến lược và quyết tâm mới, ngành ngân hàng sẽ bước vào năm mới 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025 với tâm thế thế nào?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 - một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những thách thức, biến động khó lường, ngành ngân hàng đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động vượt qua mọi khó khăn với tinh thần trách nhiệm cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao phó, tiếp tục đảm bảo vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.

Đồng thời, bước sang giai đoạn 2021-2025, ngành ngân hàng tiếp tục kiên định mục tiêu mà Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đã đặt ra, theo hướng hiện đại hóa Ngân hàng Nhà nước và phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững, phấn đấu đạt trình độ của các nước đứng đầu trong khu vực.

Theo đó, toàn ngành xác định sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi, rõ ràng cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, phù hợp với các quy luật của kinh tế thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế và thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như xu hướng phát triển của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Ngoài ra bám sát diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế để sử dụng linh hoạt các công cụ nhằm đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Điều hành chính sách tín dụng theo hướng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu để xử lý quyết liệt những tồn tại, yếu kém của hệ thống, trọng tâm là các tổ chức tín dụng yếu kém; đồng thời, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, cả về năng lực tài chính và quản trị hướng tới chuẩn mực, thông lệ quốc tế; tăng cường tính minh bạch và tuân thủ, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Với tinh thần chủ động, tích cực, đồng bộ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, chúng tôi tin tưởng năm 2021 nói riêng và giai đoạn 2021-2025 nói chung, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được những thành tựu to lớn, góp phần tích cực hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Thùy Dương (thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục