Ngân hàng Nhật Bản "ăn nên làm ra" trong bối cảnh giảm phát kết thúc

08:46' - 05/02/2025
BNEWS Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) và Mizuho Financial Group đã lần lượt đạt mức tăng trưởng 99,9%, 97,9% và 104% so với dự báo lợi nhuận hàng năm của họ.
Cả ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản đều đang trên đà đạt lợi nhuận thường niên kỷ lục sau chín tháng đầu tiên của năm tài chính hiện hành (bắt đầu từ tháng 4/2024), nhờ hưởng lợi từ việc bán chéo cổ phần và sự gia tăng biên lợi nhuận do lãi suất trong nước tăng.

Tình trạng giảm phát kết thúc được xem là một lợi thế lớn cho các ngân hàng Nhật Bản, vốn đã phải chịu đựng biên lợi nhuận mỏng manh trong hơn bảy năm lãi suất âm.

Trong khoảng thời gian từ tháng 4-12/2024, Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) và Mizuho Financial Group đã lần lượt đạt mức tăng trưởng 99,9%, 97,9% và 104% so với dự báo lợi nhuận hàng năm của họ.

 
Tuy nhiên, không có ngân hàng nào điều chỉnh tăng dự báo cho cả năm. Lý do chung được đưa ra là họ có nhu cầu sử dụng nguồn vốn dư thừa để đảm bảo vị thế tài chính trong tương lai.

Cụ thể, lợi nhuận quý III (kết thúc vào tháng 12/2024) của MUFG tăng vọt 32% lên 490,74 tỷ yen (3,16 tỷ USD) so với 370,64 tỷ yen của năm trước. SMFG và Mizuho cũng ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc trong cùng kỳ, lần lượt là 54% và 28%.

Ba đợt tăng lãi suất kể từ tháng 3/2024 đã nới rộng chênh lệch lãi suất cho vay trong nước, trong khi lạm phát phục hồi đã khuyến khích các tập đoàn lớn của Nhật Bản - vốn chiếm phần lớn khách hàng doanh nghiệp của mỗi ngân hàng - vay vốn để đầu tư.

Cùng với đó, những lời kêu gọi ngày càng tăng về việc phân bổ vốn hiệu quả hơn từ giới chức và nhà đầu tư Nhật Bản đã khuyến khích các công ty bán bớt cổ phần chéo và các tài sản không cốt lõi hoặc chưa được sử dụng hiệu quả, tạo ra nguồn phí cho các ngân hàng.

Việc các ngân hàng bán cổ phần nắm giữ của chính họ cũng là một yếu tố hỗ trợ. MUFG đã bán 225 tỷ yen cổ phần từ tháng 4 đến tháng 12/2024, với 248 tỷ yen cổ phần nữa đã được thỏa thuận bán trước cuối tháng 3/2027. Tập đoàn này đặt mục tiêu bán thêm 264 tỷ yen cổ phần trong giai đoạn đó.

Những năm giảm phát cũng đã thúc đẩy các tập đoàn tài chính Nhật Bản tìm kiếm sự tăng trưởng ở nước ngoài. Chính điều này đã giúp đẩy lợi nhuận của họ lên mức kỷ lục khi thị trường trong nước cũng có lợi nhuận hơn.

Các khoản vay nước ngoài chiếm gần 40% tổng số dư nợ cho vay của MUFG, trong khi quyền sở hữu khoảng 23,5% cổ phần của ngân hàng Morgan Stanley trên Phố Wall đã tạo ra hơn 20% lợi nhuận của ngân hàng này trong giai đoạn từ tháng 4-12/2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục