Ngân hàng nhộn nhịp chia cổ tức 

07:36' - 17/12/2021
BNEWS Cổ đông nhiều ngân hàng tuần qua liên tiếp đón nhận tin vui về việc chia cổ tức. 

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã chứng khoán: VCB) đã duyệt kế hoạch thực hiện chia trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 và cổ phiếu năm 2019. 

Theo đó, Vietcombank sẽ chia cổ tức tiền mặt năm 2020 với tỷ lệ 12% (tức là sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.200 đồng), tương đương với giá trị thanh toán 4.440 tỷ đồng, đồng thời phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6% (tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được nhận 276 cổ phiếu mới). 

Sau phát hành, vốn điều lệ Vietcombank thêm 10.236 tỷ đồng, lên hơn 47.325 tỷ đồng. 

Ngày 23/12 là đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông và ngày 5/1/2022 sẽ là ngày chi trả cổ tức tiền mặt. Tổng tỷ lệ cổ tức thực hiện chia là 39,6%. 

Cùng với Vietcombank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã chứng khoán: BID) cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 10.365 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 đã được cổ đông thông qua. 

Theo kế hoạch, BIDV sẽ phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ 25,77%. Thời gian phát hành là trong năm 2021-2022. Sau phát hành vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 40.220 tỷ đồng lên hơn 50.585 tỷ đồng. 

Ngoài 2 ngân hàng trên, cổ đông của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán: CTG) cũng sắp được nhận cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 8%. Ngày đăng ký cuối cùng là 15/12/2021, ngày thực hiện thanh toán dự kiến là 17/1/2022. 

Ngày 21/12 tới đây cũng là ngày chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 35% của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - mã chứng khoán: TPB). Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng từ 11.716 tỷ đồng lên 15.817 tỷ đồng. 

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho TPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 4.100 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận để lại chưa phân phối theo phương án được ĐHĐCĐ thông qua ngày 1/11./.

>>>Bộ đệm dày giúp tạo sức bật cho ngân hàng trong năm 2022

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục