Ngân hàng sẵn sàng triển khai hỗ trợ lãi suất 2%

08:37' - 09/07/2022
BNEWS Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là giải pháp bổ sung, sẽ song hành cùng các giải pháp mà ngành ngân hàng đã, đang và sẽ triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp

Thông báo mới nhất từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) khẳng định ngân hàng cam kết triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích đối với khách hàng đáp ứng đủ điều kiện theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

 
Theo đó, Vietcombank công bố các đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thuộc một trong các trường hợp sau: Thứ nhất, có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh bao gồm: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản quy định tại mã ngành kinh tế theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Thứ hai, có mục đích sử dụng vốn vay để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố.

Mức hỗ trợ lãi suất là 2%/năm áp dụng cho các khoản vay được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023 hoặc khi đến hết hạn mức hỗ trợ lãi suất. Hạn mức hỗ trợ lãi suất trong phạm vi được Ngân hàng Nhà nước phân bổ.

Vietcombank cùng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là 2 ngân hàng đầu tiên công bố triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% này.

Được biết, tổng số tiền hỗ trợ các ngân hàng đăng ký cho cả 2 năm 2022 và 2023 là 40.000 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch hỗ trợ lãi suất năm 2022 là hơn 16.000 tỷ đồng và năm 2023 là gần 24.000 tỷ đồng.

Đến nay, các ngân hàng thương mại đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 (gần 16.035 tỷ đồng), bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023 (trên 23.965 tỷ đồng).

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng ngân hàng thương mại để triển khai sớm chính sách; tổ chức Hội nghị toàn ngành ngân hàng để phổ biến, quán triệt triển khai.

Cụ thể về hạn mức hỗ trợ theo các ngân hàng công bố đến thời điểm này, Agribank được phân bổ chỉ tiêu 5.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm 2022-2023, riêng quy mô hỗ trợ lãi suất thực hiện trong năm 2022 dự kiến là 2.500 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đăng ký mức hỗ trợ 400 tỷ đồng thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023 và đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hạn mức gần 140 tỷ đồng, triển khai trong năm 2022.

Là ngân hàng có nhiều đối tượng thụ hưởng nhất và cũng là một trong những ngân hàng triển khai sớm nhất gói hỗ trợ, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, ngân hàng đã chủ động tham gia ý kiến, quán triệt ngay từ thời kỳ xây dựng dự thảo Nghị định, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước.

Đồng thời, Agribank đã ban hành 4 văn bản để chỉ đạo triển khai hướng dẫn và tập huấn cho 24.000 cán bộ có liên quan, đặc biệt quán triệt nghiêm cấm cảnh báo đến toàn hệ thống vi phạm trục lợi chính sách trong quá trình triển khai chính sách.

Trước đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cũng từng chia sẻ với báo chí rằng, ngay từ khi Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN ra đời và trong lúc đợi Ngân hàng Nhà nước duyệt hạn mức hỗ trợ, OCB đã phổ biến, tập huấn cán bộ nhân viên để triển khai giải ngân theo chương trình, thống nhất cách hiểu các quy định, quy trình nội bộ.

Trong hơn 2 năm chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất, thanh toán nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế vượt qua khó khăn của đại dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là một giải pháp bổ sung và thời gian tới sẽ song hành cùng các giải pháp mà ngành ngân hàng đã, đang và sẽ triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả cung và cầu, tạo tiền đề tăng trường kinh tế bền vững.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong nước, quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; qua đó, tạo điều kiện hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan để kịp thời giải đáp vướng mắc của các ngân hàng thương mại; thực hiện việc thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất, thanh, quyết toán hỗ trợ lãi suất nhanh chóng, tạo thuận lợi tối đa cho các ngân hàng thương mại.

Song song với đó, cơ quan quản lý sẽ chú trọng thanh tra, giám sát việc cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại, đảm bảo chính sách được triển khai đến đúng đối tượng được hỗ trợ lãi suất.

Trước đó, ngày 20/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay doanh nghiệp, hợp tác xã hộ kinh doanh.

Theo Nghị định 31, ngân sách Nhà nước dành 40.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023 hỗ trợ 2% lãi suất để doanh nghiệp phát triển kinh tế, phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN để hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện Nghị định 31./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục