Ngân hàng số thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

19:20' - 19/05/2017
BNEWS "Sự bùng nổ công nghệ thông tin sẽ kéo theo xu thế phát triển ngân hàng số tại Việt Nam".

Đây là thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại sự kiện Banking Vietnam 2017 với chủ đề "Công nghê số thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam" được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 19/5.

Đây cũng là nền tảng để các ngân hàng thương mại tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, đáp ứng chủ trương của ngành về nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Theo bà Tô Thị Diệu Loan, Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, chủ động đầu tư vốn nâng cấp hạ tầng công nghệ của ngân hàng tương thích với nền tảng tài chính số, đồng thời có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu, mới có thể giúp các ngân hàng phát triển dịch vụ tài chính.

Bên cạnh đó, nhằm giữ vững vị thế trong lĩnh vực dịch vụ tài chính các ngân hàng thương mại cần nhanh chống tiếp cận và áp dụng các công nghệ tài chính số như các ứng dụng di động, dịch vụ ngân hàng trực tuyến...

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng internet khá cao với 9%/năm, xếp thứ 15 trên thế giới; đặc biệt tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số tại các hệ thống ngân hàng thường mại chiếm khoảng 44%.

Hiện nay, sự phát triển của tài chính số đang làm gia tăng sức ép cạnh tranh đối với ngân hàng thương mại.

Ông Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng, nếu đẩy mạnh các dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ số, không chỉ tạo ra sự khác biệt, giảm chi phí cho ngân hàng thương mại, mà còn tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ dễ dàng hơn ở mọi nơi và mọi thời điểm.

b

Bên cạnh đó, công nghệ số đang tác động làm thay đổi phương thức hoạt động của các tổ chức tài chính truyền thống, từ đó đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.

Đối với hoạt động hệ thống ngân hàng, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 được dự đoán sẽ mang lại cơ hội lớn cho các ngân hàng trong việc ứng dụng mô hình quản trị thông minh và tự động hóa quy trình nghiệp vụ.

Trong đó, cuộc cách mạng công nghệ này sẽ giúp các ngân hàng chuyển đổi những dịch vụ cung ứng của mình từ chủ yếu xử lý thủ công sang môi trường điện tử hoàn toàn.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng lần này cũng đòi hỏi phải thay đổi khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng số để đáp ứng yêu cầu thực tế. Đơn cử, việc sử dụng chứng từ điện tử và dữ liệu điện tử thay thế chứng từ khách hàng cần phải được cụ thể hóa bằng các văn bản luật.

Mặt khác, khả năng bảo mật của các ngân hàng Việt Nam còn lỗ hổng, hầu hết các ngân hàng đều có trang bị thiết bị chống tội phạm nhưng cùng với sự phát triển nhanh chống của công nghệ số, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng tinh vi, phức tạp hơn.

Đồng thời, chỉ số lòng tin của khách hàng đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam còn thấp và chưa cải thiện.

Để có thể thiết lập một mạng lưới thanh toán an toàn, tin cậy, mang đến sự thuận tiện với chi phí thấp, bà Lê Phương Lan, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, cần nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đảm bảo cập nhật thường xuyên, tạo điều kiện cho việc đưa vào áp dụng những sản phẩm thanh toán mới.

Riêng Ngân hàng Nhà nước cần phát huy vai trò hỗ trợ tích cực cho những bước tiến trong thanh toán, thông qua các giải pháp tạo điều kiện cạnh tranh công bằng, minh bạch thị trường, hình thành cơ sở hạ tầng.../.

Xem thêm:

>>Bộ trưởng Tài chính Mỹ phản đối chia tách các ngân hàng lớn

>>Vietcombank sẽ điều chỉnh thỏa thuận sử dụng DV ngân hàng điện tử đang gây bão dư luận?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục