Ngân hàng UOB: Doanh nghiệp Việt ưu tiên tiết giảm chi phí

13:01' - 31/07/2023
BNEWS Theo khảo sát của Ngân hàng UOB (Singapore), ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam là giảm chi phí, khai thác khách hàng mới, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và phát triển nguồn doanh thu mới.

Ngân hàng UOB (Singapore) vừa công bố báo cáo Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp năm 2023 được khảo sát ở hơn 4.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn trong khu vực châu Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc).

 

Đây là lần đầu tiên UOB tiến hành khảo sát mở rộng ra ngoài phạm vi Singapore. Tại Việt Nam, nghiên cứu đã khảo sát hơn 500 doanh nghiệp trên cả nước với phần lớn tập trung tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội với một số kết quả đáng chú ý.

Theo Nghiên cứu của UOB, ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam là giảm chi phí, khai thác cơ sở khách hàng mới, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bổ túc/nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có và phát triển nguồn doanh thu mới.

Theo đó, giảm chi phí là ưu tiên hàng đầu, vì lạm phát cao đã ảnh hưởng đến 94% doanh nghiệp được khảo sát vào năm 2022 đối với cả doanh nghiệp lớn (doanh thu từ 180 tỷ đồng đến dưới 5.500 tỷ đồng) và doanh nghiệp nhỏ hơn (doanh thu dưới 180 tỷ đồng).

57% doanh nghiệp được khảo sát chịu ảnh hưởng từ chi phí nguyên vật liệu tăng và 56% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ chi phí hoạt động tăng. Để giảm thiểu tác động của lạm phát, trong 2 doanh nghiệp tại Việt Nam có hơn 1 doanh nghiệp chú trọng nâng cao năng suất và 45% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ áp dụng cắt giảm chi phí trong các hoạt động của công ty.

Nghiên cứu của UOB chỉ ra rằng, phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam đã nhận thấy tác động đến chuỗi cung ứng của họ. Hơn một nửa doanh nghiệp cho biết chuỗi cung ứng của họ đã bị ảnh hưởng bởi các vấn đề địa chính trị và nhận thấy chi phí cung ứng tăng cao là thách thức chính trong việc quản lý chuỗi cung ứng.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các biện pháp hỗ trợ hàng đầu cho việc quản lý chuỗi cung ứng bao gồm các ưu đãi thuế hoặc hoàn thuế, tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tài trợ hoặc trợ cấp và cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp cùng ngành, có liên kết với Chính phủ hoặc có quy mô lớn.

Trong bối cảnh đó, số hóa được xem là đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp cải thiện năng suất để giảm thiểu tác động của lạm phát đối với hoạt động kinh doanh.

Theo nghiên cứu của UOB, trong 10 doanh nghiệp ở Việt Nam có 9 doanh nghiệp đã áp dụng số hóa ở ít nhất một bộ phận; 86% doanh nghiệp dự tính sẽ chi nhiều hơn cho số hóa trong năm 2023.

Số hóa tạo ra tác động tốt hơn cho doanh nghiệp bằng cách cải thiện năng suất để giảm thiểu tác động của lạm phát đối với hoạt động kinh doanh của họ, giúp doanh nghiệp tập trung lấy khách hàng làm trọng tâm hơn thông qua các nỗ lực tiếp cận khách hàng cũng như cải thiện trải nghiệm của khách hàng.

Bà Phạm Như Anh, Giám đốc Khối Ngân hàng Bán buôn, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, một thách thức chính đối với số hóa là khuyến khích các doanh nghiệp mới bắt đầu tiếp tục hành trình số hóa của mình, mở rộng từ một hoặc một vài phòng ban sang toàn bộ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong việc nắm bắt công nghệ kỹ thuật số và duy trì khả năng cạnh tranh trong kỷ nguyên số.

Theo UOB, khoảng 9 trong 10 doanh nghiệp tại Việt Nam đang tìm cách mở rộng sang thị trường nước ngoài trong 3 năm tới. Nhu cầu mở rộng ra nước ngoài đang dẫn đến sự quan tâm cao hơn đối với các nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới. Trong 10 doanh nghiệp có khoảng 6 doanh nghiệp tỏ ra “rất quan tâm” đến việc sử dụng các nền tảng như vậy.

Hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ có động lực mở rộng ra nước ngoài để tăng doanh thu, cải thiện lợi nhuận và xây dựng danh tiếng với tư cách là một doanh nghiệp quốc tế. 72% doanh nghiệp tại Việt Nam nhắm đến khu vực Đông Nam Á cho kế hoạch mở rộng trong tương lai.

Thái Lan, Singapore và Malaysia là những điểm đến ưa thích trong khu vực Đông Nam Á của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, một số thách thức đang kìm hãm các doanh nghiệp trong việc mở rộng ra thị trường nước ngoài bao gồm: thiếu khách hàng ở thị trường mới; khó tìm được đối tác phù hợp để hợp tác; thiếu nhân sự, chuyên môn nội bộ để thúc đẩy mở rộng ra nước ngoài.

Mặt khác, nghiên cứu của UOB cũng chỉ ra các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm đến yếu tố bền vững trong sản xuất kinh doanh. Theo đó, tính bền vững được coi là yếu tố quan trọng bởi 94% doanh nghiệp được khảo sát.

Trong 2 doanh nghiệp có 1 doanh nghiệp cho biết họ đã bắt đầu thực hiện các hoạt động mang tính bền vững. Hơn một nửa số doanh nghiệp coi tính bền vững là quan trọng, vì nó giúp cải thiện danh tiếng của công ty và thu hút các nhà đầu tư.

Dù vậy, một số rào cản trong việc áp dụng tính bền vững như lo ngại về việc tăng chi phí sản phẩm, dịch vụ đối với người tiêu dùng, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận và thiếu các lựa chọn tốt về tài chính bền vững.

“Điều đầu tiên và quan trọng nhất, tính bền vững không phải là một xu hướng nhất thời, đó là mục tiêu cần thiết của doanh nghiệp. Các chi phí gia tăng phát sinh từ việc theo đuổi tính bền vững có thể tác động tức thì đến lợi nhuận của doanh nghiệp và do đó khiến việc theo đuổi tính bền vững trở nên kém hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ dài hạn, doanh nghiệp sẽ nhìn ra những giá trị chiến lược để sớm bắt đầu hành trình phát triển bền vững của mình”, Giám đốc Khối Ngân hàng Bán buôn, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục