Ngành bán lẻ thực phẩm Anh thiệt hại lớn nếu Brexit không suôn sẻ

15:53' - 27/09/2018
BNEWS Ngành cung ứng và bán lẻ thực phẩm của Anh có thể sẽ tổn thất khoảng 12,2 tỷ USD) do các loại thuế quan, mới nếu Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) không đạt được thỏa thuận Brexit.

Ngày 27/9, một nghiên cứu của ngân hàng Barclays cho hay nếu Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) không đạt được thỏa thuận nào về vấn đề Brexit (chỉ việc nước Anh rời khỏi EU), ngành cung ứng và bán lẻ thực phẩm có thể sẽ tổn thất 9,3 tỷ bảng Anh khoảng 12,2 tỷ USD) do các loại thuế quan mới.

Triển vọng về khả năng không đạt được một thỏa thuận cho cuộc “ly hôn” Brexit ngày càng rõ ràng hơn sau khi Thủ tướng nước Anh Theresa May cho biết cuộc gặp với lãnh đạo EU cuối tuần qua vẫn “bế tắc”.

Báo cáo của Barclays chỉ rõ rằng Brexit "không thỏa thuận" sẽ khiến các mặt hàng thực phẩm và đồ uống nhập từ EU vào nước Anh sẽ phải chịu mức thuế mới trung bình là 27%, cao hơn nhiều so với mức thuế 3-4% đối với các mặt hàng phi thực phẩm. Cụ thể, trong nhóm mặt hàng chịu mức thuế cao nhất có thịt bò đông lạnh (300%) và nước cam (180%).

Trưởng bộ phận bán lẻ của Barclays Corporate Banking, Ian Gilmartin cho hay một số sản phẩm sẽ không bị ảnh hưởng từ việc tăng thuế ngay cả khi kịch bản Brexit "không thỏa thuận" xảy ra, song đối với hầu hết các mặt hàng, thiệt hại do bị tăng thuế sẽ hết sức nghiêm trọng, trong đó những mặt hàng rẻ hơn sẽ là nhóm chịu tổn thất lớn nhất.

Trong năm 2017, nước Anh nhập khẩu lượng thực phẩm và đồ uống trị giá 48 tỷ bảng Anh, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu thụ trên thị trường nước này.

Tuy nhiên, 71% hàng nhập khẩu trên có nguồn gốc từ các nước thành viên EU và không bị đánh thuế. Do đó, ông Girmatin cho rằng nếu London muốn bảo vệ các nhà xuất khẩu và tránh cho người tiêu dùng Anh phải gánh chịu giá hàng hóa tăng cao, cần đạt được một thỏa thuận thương mại tích cực.

Theo ông Gilmartin, một thỏa thuận thương mại tốt sẽ là yếu tố cơ bản của Brexit để bảo vệ các nhà xuất khẩu Anh và tránh khỏi việc tăng vật giá cao cho người tiêu dùng nước này.

Nước Anh sẽ chính thức rời EU vào tháng 3/2019 nhưng cho tới nay, quá trình đàm phán để đạt được bản thỏa thuận "ly hôn" cuối cùng vẫn bế tắc.

Tại hội nghị không chính thức tổ chức ở Salzburg (Áo) trong 2 ngày 19-20/9 vừa qua, 27 quốc gia thành viên EU đều bác bỏ kế hoạch Brexit mà Chính phủ Anh đề xuất. Động thái này vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Thủ tướng Anh Theresa May với cảnh báo nước Anh sẵn sàng chấp nhận rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận.

>>>Hàng không Anh và EU sẽ hoạt động thế nào nếu Brexit "cứng" xảy ra?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục