Ngành công nghiệp châu Âu chịu ảnh hưởng đặc biệt từ căng thẳng Nga-Ukraine

06:30' - 14/03/2022
BNEWS Trong ngắn hạn, các vấn đề trong nguồn cung năng lượng sẽ gây khó khăn cho các nhà sản xuất, với hàng không và ô tô là những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp.

Căng thẳng Nga-Ukraine sẽ gây ra những hậu quả ngắn hạn và dài hạn đối với lĩnh vực công nghiệp ở châu Âu. Trước hết trong ngắn hạn, các vấn đề cung cấp năng lượng sẽ gây khó khăn cho các nhà sản xuất, với hàng không, ô tô... là những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp bởi các nhà máy cần một lượng lớn năng lượng để hoạt động. 

Bertrand Candelon, chuyên gia kinh tế và Giáo sư tại Trường quản lý Louvain của Đại học Louvain (UCLouvain), giải thích: "Có thể dầu và khí đốt sẽ ít hơn hoặc ở mức giá cao. Ngành công nghiệp sẽ phải trả giá đắt hơn hoặc buộc phải tìm các nguồn thay thế”.

Nguồn cung nguyên liệu

Khó khăn trong việc cung cấp nguyên liệu thô, chẳng hạn như thép và các sản phẩm giá trị gia tăng như chất bán dẫn, cũng là hệ quả ngắn hạn của cuộc xung đột. Theo số liệu của Trường Kinh tế UCLouvain, trong năm 2018, hơn 98% lượng nickel mà Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu đến từ Nga và giá nguyên liệu thô này cũng đã phá kỷ lục. Đối với carbon và sắt, con số lần lượt là hơn 60% và 50%, chưa kể các vật liệu như thép, nhôm hoặc cao su chiếm tỷ lệ lớn từ quốc gia này.

Tất cả các nguyên liệu này được sử dụng rộng rãi trong hầu hết các ngành công nghiệp nặng như ô tô (pin, thiết bị điện tử…) hoặc thậm chí hàng không.

Theo các phân tích của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Nga đã sớm tham gia vào chuỗi sản xuất. Mặc dù nước này sản xuất ít hàng hóa ở khâu cuối nhưng lại là nhà cung cấp nguyên liệu chính. Đây là lý do tại sao hàng nhập khẩu của các nhà sản xuất châu Âu bị ảnh hưởng đặc biệt bởi căng thẳng Nga-Ukraine.

Gonzague Vannoorenberghe, Giáo sư tại Trường Kinh tế UCLouvain, cho rằng việc tìm được các nhà cung cấp nguyên liệu thô thay thế không phải là nhiệm vụ dễ dàng và thậm chí còn tệ hơn nếu tính đến các sản phẩm đã qua chế biến được các công ty Nga sản xuất theo yêu cầu của các doanh nghiệp châu Âu.

Cần lưu ý rằng ngành nông sản thực phẩm sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi sự tăng giá ngũ cốc, vì Nga và Ukraine là "vựa lúa mỳ" của châu Âu.

Ngoài ra, căng thẳng ở Ukraine có thể gây ra những hậu quả gián tiếp đối với các nhà công nghiệp và doanh nghiệp, đặc biệt là liên quan đến các ngân hàng. Giáo sư Bertrand Candelon phân tích: "Nếu một nhà công nghiệp ngừng xuất khẩu sang Nga, anh ta sẽ mất thị phần và kiếm được ít tiền hơn.

Điều này sẽ khiến anh ta có ít khả năng thanh toán hơn trong mắt các ngân hàng. Còn về phía ngân hàng, để tự bảo vệ, sẽ có xu hướng hạn chế cho vay. Do đó, bằng mọi giá cần ngăn chặn để hiện tượng này không trở thành một cuộc khủng hoảng ngân hàng thực sự".

Giáo sư Gonzague Vannoorenberghe lưu ý rằng tác động lên xuất khẩu sẽ tương đối yếu vì ngoài dệt may hoặc một số mặt hàng xa xỉ nhất định, Nga chỉ chiếm thị phần nhỏ đối với nhiều công ty châu Âu.

Tương lai dài hạn

 

Do căng thẳng hiện nay, không thể ước tính được thời gian kết thúc nên các quốc gia châu Âu có thể sẽ tái đầu tư vào vũ khí. Quân đội là một hạng mục chi tiêu đã bị nhiều quốc gia bỏ quên kể từ khi hòa bình ngự trị ở châu Âu, sau khi Bức tường Berlin sụp đổ và chiến tranh lạnh kết thúc năm 1989.

"Vũ khí chỉ chiếm 1,5% ngân sách của Bỉ và tương tự đối với nhiều quốc gia khác. Khi các chính phủ tăng khoản chi tiêu này, tiền để phân phối cho các nhà công nghiệp sẽ ít hơn", ông Candelon nhấn mạnh.

Ngoài ra, một cuộc xung đột tạo ra vô số căng thẳng địa chính trị có nguy cơ lan đến các khu vực khác trên thế giới như Trung Quốc (do quan hệ với Nga) hoặc Trung Đông, từ đó làm chậm quá trình toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa đã tạo ra thêm từ 1% đến 1,5% tăng trưởng trung bình của thế giới mỗi năm kể từ những năm 1970.

Giáo sư Bertrand Candelon cảnh báo châu Âu có thể chứng kiến hoạt động thương mại sụt giảm, chẳng hạn với khu vực châu Á, nơi nhiều nhà công nghiệp sản xuất trực tiếp hoặc có được các bộ phận rẻ hơn.

Giải pháp về lâu dài là đạt được độc lập về năng lượng và cũng để xây dựng nguồn dự trữ công nghiệp chiến lược bằng cách đa dạng hóa các nhà cung cấp, ví dụ như thép hoặc chất bán dẫn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục