Ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc: Cơ hội và thách thức

12:48' - 26/12/2024
BNEWS Ngành đóng tàu Hàn Quốc khởi đầu từ những năm 1970 đã nhanh chóng bắt kịp các nhà máy đóng tàu Nhật Bản, châu Âu và vượt qua Nhật Bản vào cuối những năm 1990 để chiếm vị trí số 1 thế giới.
Đầu tháng 12/2024, nhà máy đóng tàu HD Hyundai Heavy Industries có cơ sở tại thành phố Ulsan của Hàn Quốc đã đón một phái đoàn cấp cao từ Ấn Độ. Đoàn khách đặc biệt này gồm Al Lakshmanan - Trợ lý Bộ trưởng Cảng biển và Vận tải, Madhu Nair - Giám đốc điều hành của Cochin Shipyard, công ty đóng tàu nhà nước lớn nhất và Vinesh Kumar Tyagi - Giám đốc điều hành của Tổng công ty vận tải Ấn Độ (SCI), công ty vận tải nhà nước lớn nhất.

 

Gần 10 năm kể từ khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến thăm Hàn Quốc vào năm 2015, các quan chức ngành đóng tàu Ấn Độ mới đến thăm nhà máy đóng tàu HD Hyundai Heavy Industries. Khi nghe thuyết minh về hệ thống vận hành và công nghệ tàu thân thiện với môi trường của nhà máy Hyundai, và về việc có thể đóng tới 50 tàu lớn mỗi năm tại các cơ sở của nhà máy, phái đoàn Ấn Độ cho biết nước này cần tất cả các loại tàu cỡ lớn.

Lý do phái đoàn Ấn Độ đến thăm các nhà máy đóng tàu của Hàn Quốc là để tìm đối tác thúc đẩy ngành đóng tàu của đất nước với mục tiêu đảm bảo đóng mới 1.000 tàu thương mại các loại. Ấn Độ đang đặt mục tiêu mở rộng tất cả các loại tàu thương mại, bao gồm tàu chở LNG, tàu chở dầu thô cỡ lớn và tàu chở ô tô, cũng như tàu container để vận chuyển hàng hóa. Trong chuyến thăm Hàn Quốc lần này, phái đoàn Ấn Độ cũng đến thăm hai nhà máy đóng tàu thuộc “Big 3” của Hàn Quốc, gồm nhà máy đóng tàu Hanwha Ocean và nhà máy đóng tàu Samsung Heavy Industries.

Chính phủ Ấn Độ, đứng đầu là Thủ tướng Narendra Modi, đang theo đuổi lộ trình thúc đẩy năng lực đóng tàu của Ấn Độ. Ấn Độ hiện chiếm chưa đến 1% thị phần đóng tàu toàn cầu. Ấn Độ đặt mục tiêu vươn lên vị trí thứ 10 thế giới vào năm 2030 và vị trí thứ 5 vào năm 2047 trong lĩnh vực này. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ Ấn Độ đã đánh tín hiệu hợp tác tới ngành đóng tàu Hàn Quốc, nơi có cơ sở hạ tầng và công nghệ đẳng cấp thế giới, điều kiện đầu tư và hợp tác tích cực. Trước đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cũng đã đánh tín hiệu đến ngành đóng tàu Hàn Quốc khi nói rằng: “Tôi biết rõ về khả năng đóng tàu và tàu chiến đẳng cấp thế giới của Hàn Quốc”.

Thách thức chung hiện nay đối với Mỹ và Ấn Độ là khả năng cạnh tranh trên biển. Ấn Độ phụ thuộc vào vận tải biển tới 95% tổng khối lượng thương mại, nhưng do ngành đóng tàu yếu kém nên nước này phải chi khoảng 110.000 tỷ won (khoảng 75 tỷ USD) mỗi năm chỉ để thuê tàu nước ngoài. Nếu tình trạng này tiếp tục, dự kiến Ấn Độ sẽ phải chi khoảng 500.000 tỷ won mỗi năm đến năm 2047, khi xuất khẩu và nhập khẩu tăng. Ấn Độ có 28 doanh nghiệp đóng tàu trong nước, nhưng chủ yếu đóng các loại tàu cỡ vừa và nhỏ như tàu khách ven biển. Ấn Độ chưa đóng được các tàu container lớn, tàu chở dầu thô siêu lớn, tàu chở ô tô...

Mỹ đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng sức mạnh hải quân, vốn là chìa khóa để tiếp tục cạnh tranh quyền lực hàng hải với Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng đóng tàu của Mỹ sẽ cần thời gian dài để khôi phục. Chỉ riêng thị trường MRO (bảo trì, sửa chữa và đại tu) tàu chiến của Mỹ ước tính cũng đạt 20.000 tỷ won mỗi năm.

Đây là lý do tại sao ngành đóng tàu Hàn Quốc, vốn đã trải qua thời kỳ suy thoái kéo dài trong những năm 2010 và gần đây đã có sự bùng nổ, được coi là đối tác tối ưu để hợp tác. Ngành đóng tàu Hàn Quốc khởi đầu từ những năm 1970 đã nhanh chóng bắt kịp các nhà máy đóng tàu Nhật Bản, châu Âu và vượt qua Nhật Bản vào cuối những năm 1990 để chiếm vị trí số 1 thế giới. Sau khi duy trì vị trí số 1 thế giới trong gần 20 năm, Hàn Quốc đã để mất vị trí số 1 vào tay Trung Quốc khi cạnh tranh về số lượng và giá rẻ.

Tuy nhiên, ngành đóng tàu Hàn Quốc vẫn có khả năng cạnh tranh thuộc Top đầu. Bắt đầu với những cơ sở ở thành phố Busan, hệ sinh thái hợp tác ngành đóng tàu của Hàn Quốc đã được thiết lập vững chắc khi mở rộng các cứ điểm sang trung tâm Ulsan và đảo Geoje. Khi ngành đóng tàu Nhật Bản buộc phải bước vào giai đoạn tái cơ cấu do cuộc tấn công giá thấp của Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn giữ được khoảng cách công nghệ thông qua sự phát triển của các tàu vận tải LNG và hệ sinh thái đóng tàu công nghệ nhiên liệu kép thân thiện với môi trường.

Hàn Quốc đã nhanh chóng nâng cao công nghệ trên nhiều loại tàu, bao gồm các tàu siêu trọng chở năng lượng như dầu thô và khí đốt tự nhiên hóa lỏng, tàu container vận chuyển hàng hóa quy mô lớn và tàu chiến. Đặc biệt, trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), vốn nổi lên là điểm cốt lõi của “an ninh năng lượng” sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, các tàu chở LNG của ngành đóng tàu Hàn Quốc được đánh giá là tốt nhất.

Cả Mỹ và Ấn Độ đều đặt mục tiêu thúc đẩy “cụm công nghiệp đóng tàu” ở nước mình thông qua hợp tác với Hàn Quốc. Ấn Độ đang theo đuổi thực hiện một dự án liên doanh thí điểm sử dụng một công ty đóng tàu Hàn Quốc và một nhà máy đóng tàu có cơ sở hạ tầng tốt nhất trong nước, sau đó chuyển giao công nghệ tích lũy được qua dự án này cho các nhà máy đóng tàu trong nước. Ấn Độ cũng đang xem xét hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị Hàn Quốc để tăng cường chuỗi cung ứng thiết bị trên toàn ngành đóng tàu. Có nguồn tin cho biết, Bộ trưởng Cảng biển và Vận tải Ấn Độ sẽ sang thăm Hàn Quốc vào tháng 3/2025 để ký các thỏa thuận liên quan.

Trong khi đó tại Mỹ, công ty đóng tàu Hanwha Ocean gần đây đã hoàn tất việc mua lại nhà máy đóng tàu Philly và bắt đầu xây dựng lại cơ sở hạ tầng. Hiện nay, công ty đã trúng thầu dự án MRO của Hải quân Mỹ và đang trong quá trình sửa chữa tàu quân sự Mỹ tại Hàn Quốc, với kế hoạch hướng tới việc giành được đơn đặt hàng tàu trong dài hạn.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ngành đóng tàu Hàn Quốc còn rất nhiều nhiệm vụ phải giải quyết để duy trì lợi thế cạnh tranh toàn cầu. Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trước mắt, việc tuyển dụng lao động nước ngoài có tay nghề cao là rất cần thiết.

Yang Jong-seo, nhà nghiên cứu cấp cao trong lĩnh vực này cho rằng chính phủ cần nới lỏng mạnh các quy định đang trở thành rào cản phát triển. Khi các doanh nghiệp đóng tàu Trung Quốc đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách công nghệ với Hàn Quốc dựa trên sự hỗ trợ to lớn của chính phủ, Hàn Quốc không có cách nào khác ngoài việc nỗ lực đầu tư vào các sản phẩm thông minh, có đột phá về công nghệ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục