Ngành dệt may sẽ tiếp tục gặp khó đến hết quý III năm 2017

16:07' - 04/11/2016
BNEWS Thách thức đang đặt ra cho ngành dệt may là công nghệ quản trị của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam so với các nước trong khu vực còn đang ở mức khiêm tốn.
Ngành dệt may sẽ tiếp tục gặp khó đến hết quý III năm 2017. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may, thiết bị và nguyên phụ liệu 2016 (HANOITEX 2016), với mục tiêu tăng cường kết nối, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, nâng cao năng lực sản xuất doanh nghiệp, ngày 4/11, Hội Dệt may Thêu đan Tp. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công ty Tổ chức Triển lãm CP Hồng Kông và Hiệp hội Dệt May Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Giao lưu chia sẻ những thuận lợi khó khăn giữa các doanh nghiệp dệt may phía Bắc và Nam”.

Theo Ban tổ chức, mục đích của buổi tọa đàm là kết nối được các doanh nghiệp hai miền Nam – Bắc, để các doanh nghiệp có thể chia sẻ những giải pháp khắc phục khó khăn cũng như mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp dệt may nội địa trong thời gian tới.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, ngành dệt may hiện có 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 2,5 triệu lao động. Đây là ngành được hưởng lợi nhiều từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, khác với kết quả của nhiều năm trước, năm 2016 thật sự là một năm khó khăn của ngành dệt may. Khó khăn đó diễn ra từ quý I, quý II sang cả quý III năm 2016 này.

Bắt đầu quý IV, mặc dù có sự khởi sắc nhưng mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành trong năm nay chỉ có khả năng đạt 29 tỷ USD, thay vì 31 tỷ USD như kỳ vọng. Dự báo, ngành dệt may sẽ tiếp tục gặp khó đến hết quý III/2017.

Đến năm 2019, Viêt Nam sẽ có khoảng 19 hiệp định thương mại có hiệu lực và những hiệp định này đều có cơ hội đưa thuế suất về 0%.

Chẳng hạn hiện nay, các hiệp định thương mại giữa Việt Nam với EU, Hàn Quốc... và đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra cơ hội rất lớn cho dệt may Việt Nam.

Theo đó, TPP có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong thương mại dệt may toàn cầu và Việt Nam đang đặt kỳ vọng rất lớn ở thị trường rộng lớn này, nhất là thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, thách thức đang đặt ra cho ngành dệt may là công nghệ quản trị của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam so với các nước trong khu vực còn đang ở mức khiêm tốn.

Nếu các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không bắt kịp với các công nghệ thì sẽ mất cơ hội phát triển.

Đơn cử, một số công nghệ mà các nước đang áp dụng như công nghệ 3D, 4D…và đến nay công nghệ thiết bị may của thế giới đang tính toán đưa vào công nghệ 4D.

Tại buổi tọa đàm, Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 Nguyễn Thị Thanh Huyền lo ngại trước những diễn biến thị trường xuất khẩu không thuận và có thể tiếp diễn trong những tháng tới. Trong khi đó, việc tăng lương tối thiểu vùng hàng năm đi đôi với tăng tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm, phí công đoàn đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.

Lương tối thiểu tăng, doanh nghiệp không chỉ lo lương cho người lao động mà đi kèm theo đó là gia tăng thêm hàng loạt chi phí. Đặc biệt là tăng phí bảo hiểm, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may hiện đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu theo quy định.

Trước những vấn đề trên, nhiều doanh nghiệp trong ngành đề xuất Nhà nước không tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 và chỉ nên điều chỉnh tăng sau 2-3 năm/lần thay vì hàng năm như hiện nay.

Theo Hiệp hội Dệt May, chính sách tăng lương tối thiểu thường xuyên đối với các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày… đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Chỉ tính từ giai đoạn 2008 – 2016 mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp trong nước đã tăng bình quân 26,4%/năm và đối với các doanh nghiệp FDI tăng 18,1%/năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục