Ngành dệt may Việt Nam tự làm yếu vì thiếu liên kết

19:41' - 30/03/2016
BNEWS Do ít phối hợp giữa doanh nghiệp sản xuất phụ trợ và doanh nghiệp xuất khẩu trong chuỗi sản xuất nên ngành dệt may mặc dù được đánh giá cao nhưng giá trị gia tăng lại nằm dưới đáy của chuỗi cung ứng.
Ngành dệt may Việt Nam tự làm yếu vì thiếu liên kết. Ảnh: Hải Âu/TTXVN

Đây là vấn đề được đặt ra tại tọa đàm “Tìm các giải pháp tăng cường chuỗi cung ứng dệt may giữa các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ và sản xuất kinh doanh hàng dệt may xuất khẩu”, do Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh chiều 30/3.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, n ếu các doanh nghiệp không ý thức được điều này thì trong bối cảnh hộp nhập sâu rộng, ngành dệt may Việt Nam chỉ sản xuất với giá trị gia tăng thấp.

Ông Trương Văn Cẩm cho biết, ngành dệt may Việt Nam không hẳn yếu kém, nhưng lại không có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Chẳng hạn, hàng năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD vải, còn các doanh nghiệp dệt may trong nước chủ yếu lại nhập vải vào để gia công xuất khẩu.

Ngành sợi hàng năm cũng sản xuất khoảng 1,2 triệu tấn, nhưng xuất đi 700.000-800.000 tấn/năm; trong khi đó, các doanh nghiệp khác trong ngành lại nhập sợi về với số lượng tương đương đáp ứng nhu cầu hoạt động…

Lý giải nguyên nhân các doanh nghiệp ít có sự liên kết với nhau, ông Nguyễn Đình Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, chủ yếu là do các Bộ, ngành không tham gia nhiệt tình; nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không quyết tâm đích thân đi tìm hiểu, hợp tác với đối tác.

“Cách đây 7 năm, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành dệt may là 32%, thế nhưng giờ chỉ còn khoảng 16-17%. Việt Nam có nhà máy sản xuất nhưng không liên kết hoặc chỉ gia công, còn lại mọi thứ đã có “nước ngoài” lo. Nếu chỉ làm như thế này thì cần gì phải liên kết. Liên kết chuỗi phải có sự ràng buộc, tin tưởng và trung thành với nhau thì mới bền vững. Mới đầu có thể là bạn hàng, sau đó thì đầu tư vào cho nhau nhưng vẫn phải thay đổi phương thức sản xuất, nếu không dệt may Việt Nam mãi mãi giữ vai trò gia công”, ông Trường nói.

Dưới góc độ của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Điền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH may thêu giày An Phước cho biết, mặc dù hiện nay công ty đang sử dụng 100% nguyên liệu vải nhập khẩu, còn phụ liệu thì chỉ có một số ít doanh nghiệp trong nước cung cấp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều vào các hiệp định thương mại tự do, công ty sẽ đẩy mạnh việc sử dụng các nguyên phụ liệu nội địa để tận dụng được các ưu đãi cũng như cạnh tranh tốt hơn.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, sau hàng loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương được ký kết, sản phẩm dệt may Việt Nam có điều kiện chiếm lĩnh thị trường các nước nhiều hơn.

Đặc biệt, với hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương thì ngành dệt may Việt Nam có điều kiện tăng trưởng lớn về xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục