Ngành du lịch Đông Nam Á "đón bình minh" khi mở cửa biên giới trở lại

05:30' - 26/03/2022
BNEWS Ngành du lịch Đông Nam Á hy vọng du khách quay trở lại sau khi biên giới mở cửa, sẵn sàng đón nhận những ngày tháng “tươi sáng” sau hơn hai năm vật lộn để tồn tại.

Theo báo Liên hợp buổi sáng, đại dịch COVID-19 bùng phát đã hơn hai năm, để ngăn chặn sự lây lan của virus, các nước lần lượt thực hiện biện pháp phong tỏa biên giới.

Điều này không chỉ gây "thương tổn" cho nền kinh tế của các nước phụ thuộc vào ngành du lịch, mà còn khiến cho nhiều người cảm thấy hụt hẫng.

Hiện nay, các nước Đông Nam Á lần lượt tuyên bố mở cửa trở lại, hy vọng sớm hồi sinh ngành du lịch trong nước. Trong đó, Campuchia, Thái Lan, Philippines và Indonesia đã mở cửa lại hoàn toàn biên giới, cho phép du khách nước ngoài miễn cách ly sau khi nhập cảnh, Malaysia và Việt Nam cũng đưa ra tuyên bố tương tự. 

Theo các công ty du lịch, sau hơn hai năm vật lộn để tồn tại, ngành du lịch hy vọng du khách quay trở lại sau khi biên giới mở cửa, sẵn sàng đón nhận những ngày tháng “tươi sáng”, nhưng họ cũng không dám kỳ vọng quá cao, vẫn giữ thái độ lạc quan thận trọng về tốc độ phục hồi. 

Kevin Chandra, chủ quán cà phê “Crumb & Coaster” gần bãi biển Kuta nổi tiếng ở đảo Bali, Indonesia, cho biết, hai năm qua quán tồn tại lay lắt, bản thân phải dùng tiền tiết kiệm cá nhân để trang trải chi phí hàng tháng. Số lượng nhân viên cũng cắt giảm còn 30% so với mức trước dịch bệnh. Do vậy anh đang rất mong chờ khách du lịch quay trở lại, giúp hoạt động kinh doanh của quán sớm phục hồi bình thường.

Crumb & Coaster khai trương vào năm 2016 với mong muốn ban đầu là giới thiệu cà phê sản xuất ở địa phương để nhiều người biết hơn. Trước khi dịch bệnh bùng phát, khách du lịch nước ngoài chiếm 80% lượng khách của quán, chủ yếu là khách du lịch Australia. Theo Kevin Chandra, con phố anh đang ở gần với bãi biển Kuta, vốn là con đường du lịch mang tính biểu tượng của địa phương, nhưng hiện nay đã vắng lặng và không còn mấy cửa hàng tiếp tục hoạt động.

Anh Kevin Chandra thừa nhận, phản ứng đầu tiên sau khi biết được thông tin đảo Bali mở cửa trở lại là “vui buồn lẫn lộn”. Một mặt, anh rất vui mừng vì có thể đón nhiều khách du lịch hơn, nhưng cũng lo lắng điều kiện mở cửa biên giới liệu có thay đổi nữa hay không. Tuy nhiên, anh Kevin Chandra vẫn giữ thái độ lạc quan thận trọng, hy vọng việc mở cửa lại biên giới có thể giúp quán sớm phục hồi hoạt động bình thường.

Anh Kevin Chandra tiết lộ, doanh thu của quán hiện nay chỉ bằng 20% trước khi dịch bệnh bùng phát, trong thời gian phong tỏa biên giới anh đã phải tìm mọi cách để thu hút khách địa phương, bao gồm giảm giá nhiều hơn và tăng cường quảng bá… Biên giới vừa mở cửa trở lại và hoạt động kinh doanh hiện nay chỉ mới có chút khởi sắc, anh hy vọng tình hình sẽ tốt hơn trong thời gian tới. Anh chia sẻ: "Chúng tôi kỳ vọng có thể phục hồi về tình hình trước khi xảy ra dịch bệnh và có thể tuyển lại những nhân viên cũ đã gắn bó trong nhiều năm qua".

Các chủ khách sạn ở Philippines được khảo sát rất mong muốn có thể chứng kiến sự trở lại của khách du lịch nước ngoài, dự kiến tỷ lệ đặt phòng sẽ tăng trong năm nay. Jhoana Consing, Tổng Giám đốc khách sạn Hostela Manila ở thủ đô Manila, Philippines cho biết, dịch COVID-19 đã tác động đến toàn bộ giới kinh doanh khách sạn, nên thông tin Philippines mở cửa biên giới khiến cô cảm thấy rất phấn khởi, hy vọng sắp tới có thể tiếp đón nhiều khách du lịch nước ngoài hơn, đồng thời duy trì tỷ lệ lấp đầy phòng tối thiểu 90%.

Theo tiết lộ của cô Jhoana Consing, trong giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh (tháng 4-5/2020), do các biện pháp hạn chế để phòng dịch được áp dụng vào thời điểm đó, hơn nữa giao thông công cộng ngừng hoạt động, nên khách sạn quyết định cung cấp miễn phí nơi ở cho nhân viên y tế địa phương để cảm ơn những đóng góp của các nhân viên tuyến đầu. Sau đó, khách sạn xin giấy chứng nhận liên quan của cơ quan quản lý du lịch để có thể tiếp tục hoạt động trong thời gian dịch bệnh, cung cấp chỗ ở cho người dân địa phương hoặc thuyền viên cần tạm trú ở thủ đô.

Xung đột Nga-Ukraine kéo chậm tốc độ phục hồi

Theo số liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Đông Nam Á là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng du lịch quốc tế nhanh nhất toàn cầu. Lượng khách du lịch năm 2019 ghi nhận mức cao mới với 139 triệu lượt, tăng 8% so với năm 2018. Tuy nhiên, lượng khách du lịch đến Đông Nam Á lao dốc xuống còn 3,3 triệu lượt trong năm 2020, chỉ chiếm 2% lượng khách của năm 2019.

Các chuyên gia cho rằng, các nhân tố như xung đột Nga-Ukraine, các lệnh trừng phạt cộng đồng quốc tế nhằm vào Nga và giá dầu leo thang… có thể kéo chậm tốc độ phục hồi du lịch của Đông Nam Á. Theo chuyên gia phân tích du lịch Bowerman ở Kuala Lumpur, kể từ khi lượng khách du lịch Trung Quốc suy giảm đến nay, khách du lịch Nga là nguồn khách quan trọng của Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Cuộc xung đột lần này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi ngành du lịch của những nước này sau khi mở cửa biên giới trở lại.

Về việc những tác động có thể gây nên từ giá dầu tăng cao, chuyên gia Bowerman cho rằng, về tổng thể, giá dầu hiện nay đã vượt 100 USD/thùng, nếu tiếp tục duy trì mức giá này và thậm chí cao hơn, thì giá nhiên liệu hàng không sẽ tăng mạnh. Phải một thời gian sau khi dịch COVID-19 lắng xuống, các công ty hàng không mới tăng chuyến và giảm giá vé để giành lại thị trường, nhưng giá nhiên liệu hàng không cao dường như triệt tiêu khả năng ưu đãi giá vé. Các hãng hàng không khó có được nguồn cung nhiên liệu đầy đủ, điều này có thể làm giảm nhu cầu du lịch hàng không trên toàn cầu.

Theo số liệu của Cục du lịch Thái Lan, giai đoạn tháng 1-2 năm nay, lượng khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan đạt hơn 390.000 lượt, phần lớn là từ các nước châu Âu như Nga, Đức, Pháp và Anh.

Bill Barnett, Giám đốc điều hành công ty tư vấn du lịch C9 Hotelworks ở Phuket, Thái Lan, cho biết, mọi người sẽ không vì xung đột xảy ra ở châu Âu mà không muốn đi du lịch. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa nhìn thấy tác động đầy đủ của xung đột đối với giá dầu và lạm phát. Nếu nguồn khách từ châu Âu suy giảm, trong khi nguồn khách Trung Quốc vẫn chưa phục hồi, thì đây sẽ là một điều không hay đối với thị trường du lịch vốn đã không ổn định.

Nắm chắc cơ hội kinh doanh, khách du lịch livestream bán hàng

Một số khách du lịch nhấn mạnh, sau khi đến Thái Lan du lịch “thăm dò”, đã nóng lòng chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo, đồng thời nắm chắc cơ hội kinh doanh, hy vọng mở rộng hoạt động kinh doanh livestream bán hàng ở nước ngoài.

Martinlam, một nghệ sĩ Getai (một hình thức giải trí phổ biến ở Đông Nam Á với các bài hát, tiểu phẩm để tưởng nhớ người đã mất), cho biết, anh đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh sau khi biết tin Thái Lan mở cửa biên giới, nên lập tức hành động, cùng hai cộng sự bay đến Bangkok để livestream bán hàng. Dịch bệnh đã làm giảm cơ hội lên sân khấu biểu diễn, vậy nên Martinlam bắt đầu livestream bán hàng trên các nền tảng truyền thông xã hội từ hai năm trước, hy vọng tăng thêm nguồn thu nhập. Chuyến đi Bangkok này là lần đầu tiên ra nước ngoài trong hơn hai năm qua, đồng thời cũng là lần đầu tiên Martinlan thử ra nước ngoài livestream bán hàng.

Martinlam tiết lộ, trong thời gian ở Bangkok từ ngày 26/2-08/3, đã tổ chức livestream 9 ngày, mua hàng tấn hàng hóa, bao gồm áo quần, túi xách, đồ ăn vặt… Phản ứng của buổi livestream bán hàng đầu tiên ở nước ngoài rất náo nhiệt, hiện nay anh là một trong số ít những người đến Thái Lan livestream bán hàng, anh hy vọng có thể tiếp tục mở rộng kinh doanh trên phương diện này.

Martinlam cho biết thêm, có thể do cảm giác mới lạ, nên doanh số bán hàng trong 9 ngày tương đương với kết quả hai tuần livestream ở địa phương. Chẳng hạn như hàng hóa của thương hiệu NaRaYa, Thái Lan nhận được sự chào đón của người dân địa phương, một ngày có thể tiêu thụ hơn 300-400 túi xách các loại. Anh chia sẻ: "Thời gian của chuyến đi này cơ bản không đủ, vẫn còn nhiều nơi chưa thể đến, tôi sẽ thường xuyên đến Thái Lan bán hàng, dự kiến tháng sau sẽ tổ chức chuyến đi tiếp theo".

Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan, doanh thu du lịch của nước này dự kiến sẽ đạt 1.280 tỷ baht (38,2 tỷ USD) trong năm nay, trong đó 625 tỷ baht đến từ thị trường quốc tế (10 triệu lượt khách du lịch). Tính đến ngày 5/3, lượng khách du lịch quốc tế đến Thái Lan trong năm nay đạt 420.000 lượt.

Cần chuẩn bị tốt kỹ năng phòng dịch khi ra nước ngoài

Theo một vị khách du lịch có tên Denise Chen, từ ngày 3-7/3, cô và nhóm bạn đã nhập cảnh vào Bangkok thông qua chương trình “Giấy thông hành Thái Lan” (Test & Go). Đây là lần đầu tiên cô ra nước ngoài kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Trước đó, cô muốn về Hong Kong (Trung Quốc) thăm người thân.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng và những hạn chế nhập cảnh của Hong Kong, nên cô quyết định đổi sang du lịch Thái Lan, nơi tương đối quen thuộc và có thủ tục xét nghiệm đơn giản hơn. Sau khi đến Thái Lan, có xe chuyên dụng đưa từ sân bay đến cơ sở xét nghiệm miễn phí của một bệnh viện, sau khi hoàn thành thủ tục lấy mẫu xét nghiệm, cô lại trực tiếp được đưa về khách sạn để chờ kết quả xét nghiệm, rất thuận tiện.

Denise Chen nhấn mạnh, trải nghiệm của chuyến đi du lịch Bangkok lần này rất khác biệt so với trước khi xảy ra dịch bệnh. Ở chợ đêm và chợ cuối tuần của địa phương, rất nhiều cửa hàng đóng cửa, bầu không khí của thành phố cũng không náo nhiệt như trước đây. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến sở thích du lịch của họ. Mặc dù lưu lượng người ít, nhưng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, bao gồm đền chùa sẽ không đông đúc như trước đây, du khách có thể thăm quan, thưởng thức tốt hơn.

Trong ngày cuối cùng của chuyến đi, Denise Chen mới phát hiện trước khi quay về phải tiến hành nhiều lần xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Tuy nhiên, không phải bệnh viện và cơ sở y tế nào cũng cung cấp dịch vụ này hoặc giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm bằng tiếng Anh. Nhờ sự hỗ trợ của nhân viên khách sạn, nhóm của cô tìm được một bệnh viện tư nhân cung cấp dịch vụ xét nghiệm nhanh, từ đó mới có thể thuận lợi hoàn thành các thủ tục cần thiết. Cô Denise Chen cho biết, chuyến du lịch này giúp cô tự tin hơn trong việc ra nước ngoài, sắp tới cô sẽ lên kế hoạch cho những chuyến đi dài ngày hơn đến các nước khác, bao gồm Mỹ. 

Các nhà khai thác xe buýt VTL của Singapore và Malaysia từng bước nới lỏng an toàn

Malaysia tuyên bố sẽ mở cửa toàn bộ biên giới từ ngày 1/4, Causeway Link, một trong những nhà khai thác xe buýt được chỉ định khai thác hành lang du lịch đường bộ cho người đã tiêm chủng vaccine Singapore-Malaysia (VTL) đã bắt đầu tiến hành triển khai các công tác chuẩn bị liên quan. Lâm Trấn Phương, Phó Giám đốc điều hành Causeway Link tiết lộ, công ty có khoảng 160 xe buýt được phép chạy tuyến xuyên biên giới Singapore-Malaysia, trong đó hiện nay một phần được đưa vào phục vụ hành lang VTL, một phần đang tạm ngưng hoạt động. 

Khi nhận được thông tin lượng người thông quan mỗi ngày của hành lang VTL tăng lên sau khi mở cửa toàn bộ biên giới, công ty sẽ triệu tập các tài xế xe buýt của mình quay lại làm việc, căn cứ vào yêu cầu hoạt động để chia giai đoạn sắp xếp bảo dưỡng xe buýt. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu sắp tới có mở rộng VTL hay không, hay mở cửa toàn bộ và cho phép các doanh nghiệp tự sắp xếp.

Lâm Trấn Phương cho biết, hy vọng cơ quan chức năng có thể công bố nhiều thông tin chi tiết hơn nữa để giúp các doanh nghiệp phối hợp tốt hơn công tác chuẩn bị trước. Những xe buýt này đã không hoạt động trong một giai đoạn, nên công ty cần thời gian để bố trí việc bảo dưỡng. Họ cũng phải kiểm soát chi phí, không thể bảo dưỡng tất cả xe buýt cùng một lúc.

Nếu cho phép ô tô tư nhân nhập cảnh sau khi mở cửa toàn bộ biên giới, thì hoạt động kinh doanh của dịch vụ xe buýt VTL sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, dự kiến đây sẽ là vấn đề sớm hay muộn. Lâm Trấn Phương cho rằng, từng bước nới lỏng hạn chế số lượng người nhập cảnh trong thời gian đầu mở cửa biên giới là cách tiếp cận thận trọng và an toàn hơn.  

Lâm Trấn Phương kỳ vọng sau khi mở cửa biên giới, tất cả xe buýt của công ty có thể sớm phục hồi hoạt động, giúp nhân viên có thể quay lại làm việc. Bên cạnh đó, do dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn được đẩy lùi, nếu mở cửa hoàn toàn ngay từ đầu, những người nhập cảnh bằng xe buýt hoặc ô tô cá nhân có thể gây ùn tắc, và việc kiểm soát dịch bệnh có thể đối diện với thách thức. 

Nếu tài xế xe buýt nhiễm bệnh thì nhân lực của công ty chắc chắn bị ảnh hưởng, việc tìm người thay thế cũng là vấn đề nan giải. Do đó, tốt nhất là từng bước nới lỏng hạn chế, đảm bảo dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, từ đó hạ thấp rủi ro mà tài xế xe buýt phải đối mặt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục