Ngành dừa Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng vượt bậc

15:38' - 12/12/2024
BNEWS Ngày 12/12, tại Bến Tre, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) phối hợp với Hiệp hội Dừa Việt Nam tổ chức hội thảo Coconext 2024 với chủ đề nâng tầm chuỗi giá trị ngành dừa Việt Nam.

Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, chuyên gia đến từ các quốc gia hàng đầu thế giới trong ngành dừa như Philippines, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ.

 

Phát biểu tại hội thảo, bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) cho biết, với chủ đề nâng tầm chuỗi giá trị ngành dừa Việt Nam, hội thảo là thông điệp khởi đầu cho sự thay đổi toàn diện của ngành dừa, với các giải pháp thực tế và định hướng chiến lược. Ngoài ra, hội thảo tập trung giới thiệu và thảo luận các xu hướng mới nhất trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dừa. Đây là nền tảng để các doanh nghiệp tối ưu hóa năng lực, mở rộng thị trường và tiếp cận cơ hội toàn cầu, biến thách thức thành lợi thế cạnh tranh.

Theo bà Đặng Huỳnh Ức My, ngành dừa hiện nay đã xây dựng nên một hệ sinh thái giá trị - nơi khoa học, công nghệ và sáng tạo hội tụ trong nông nghiệp.Tại Việt Nam, cây dừa đã được công nhận và quy hoạch là một trong sáu loại cây công nghiệp chủ lực. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành đề án phát triển cây dừa đến năm 2030 với các mục tiêu, giải pháp cụ thể.

Tại hội thảo, với ba chủ đề chính: “Ngành dừa-chiến lược để phát triển bền vững”; “Đổi mới và công nghệ - Nâng tầm chuỗi giá trị”; “Ngành dừa - Bệ phóng kinh doanh trong kỷ nguyên mới”, các đại biểu đã thảo luận khai thác sâu về việc xây dựng những chính sách phát triển bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và quản lý chuỗi giá trị, cũng như thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu và tối ưu chuỗi giá trị cho ngành dừa. Đồng thời, những mô hình đổi mới đến từ các quốc gia dẫn đầu trong ngành dừa cũng được chia sẻ, mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế sâu rộng và dài hạn.

Hội thảo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hình chiến lược tổng thể, nhằm biến dừa thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Qua đó, không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam trong ngành dừa quốc tế, mà còn tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng cho toàn ngành.

Ngành dừa Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng vượt bậc. Từ con số kim ngạch xuất khẩu 280 triệu USD năm 2010, ngành dừa đã đạt 1,64 tỷ USD vào năm 2023.

Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam Nguyễn Thị Kim Thanh cho hay, Việt Nam là quốc gia có diện tích trồng dừa lớn thứ 5 trên thế giới, với gần 200.000 ha, tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đáng chú ý, ngành dừa Việt Nam trong gần hai thập kỷ qua, không chỉ cung cấp nguồn nguyên liệu phong phú cho các sản phẩm như cơm dừa, nước dừa, dầu dừa mà còn tạo việc làm và cải thiện đời sống của hàng triệu nông dân và công nhân ngành dừa.

Tuy nhiên, ngành dừa Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức lớn, đó là năng suất chưa thật sự cao, dẫn đến việc hạn chế trong khai thác giá trị gia tăng và kết nối với thị trường quốc tế. Vì vậy, việc xây dựng một chuỗi giá trị toàn diện, hiện đại và bền vững mục tiêu hàng đầu để đưa ngành dừa Việt Nam không ngừng phát triển vững mạnh, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, nhấn mạnh.

Nói về chiến lược để phát triển bền vững ngành dừa, ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư nhiều hơn nữa các nhà máy chuyên sâu để chế biến dừa xuất khẩu, đồng thời áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ… Qua đó, để khẳng định Việt Nam xứng tầm là nước xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương và đứng thứ 5 của quốc tế.

Trong khi đó, ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre cho biết, ngành dừa là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Bến Tre hiện nay. Cùng với đó, Bến Tre là "thủ phủ” dừa của cả nước, do đó, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm về mặt chủ trương và chính sách để phát biển bền vững ngành dừa. Đặc biệt, tỉnh quan tâm hỗ trợ người dân trồng dừa về giống và tham gia cùng với các doanh nghiệp nghiệp phát triển vùng dừa hữu cơ. Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng có các cơ chế hỗ trợ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư để phát triển ngành dừa không ngừng lớn mạnh.

Tại Bến Tre, dừa là cây trồng truyền thống, cây công nghiệp chủ lực quốc gia và giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đến nay, Bến Tre đã xây dựng vùng dừa sản xuất hữu cơ tập trung với 20.401 ha chiếm 25,7% tổng diện tích dừa của tỉnh; trong đó, diện tích được chứng nhận sản xuất hữu cơ là 12.979 ha theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Tỉnh Bến Tre sẽ xây dựng chương trình, đề án dài hạn để phát triển toàn diện ngành dừa của tỉnh. Qua đó, tỉnh tập trung huy động nguồn lực, phát triển, tạo giống dừa chuẩn, chất lượng đủ quy cách, áp dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc vườn dừa để đạt chuẩn xuất khẩu, nhất là dừa tươi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục