Ngành gỗ nắm bắt cơ hội sau đại dịch để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD

10:26' - 15/10/2021
BNEWS Dù gặp đại dịch COVID-19 song các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, nội thất Việt Nam đang phục hồi chuỗi cung ứng, tận dụng hiệu quả cơ hội để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu cả năm 14,5 tỷ USD.

*Năng lực chống chịu tốt

Trong gần hai năm xuất hiện dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam đã khiến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ chịu ảnh hưởng không nhỏ cả về sản xuất lẫn xuất khẩu.

Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn giữ được mức tăng trưởng khá cao và đóng góp kim ngạch xuất khẩu đáng kể trong nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, nửa đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng tới hơn 60% so với cùng kỳ năm 2020 và là ngành có tăng trưởng ấn tượng nhất.

Do ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư tại các tỉnh, thành phía Nam, kim ngạch xuất khẩu các tháng 7,8,9 đã giảm và chỉ còn tăng 32% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, đến cuối tháng 9, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt mức 12 tỷ USD.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh thông tin: Các tỉnh, thành phía Nam, trong đó tập trung chủ yếu tại Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh là khu vực sản xuất, chế biến đồ gỗ lớn nhất cả nước, chiếm tới 70% chuỗi cung ứng đồ gỗ cả nước.

Chính vì vậy, từ tháng 7 đến tháng 9/2021, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, các tỉnh phía Nam đồng loạt phải thực hiện giãn cách xã hội triệt để, hầu hết doanh nghiệp chỉ duy trì sản xuất cầm chừng theo mô hình sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm” với công suất dưới 50% thì sản lượng đồ gỗ giảm sâu, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu cũng giảm theo.

Ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Scansia Pacific cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, công ty chỉ có thể tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” với khoảng từ 30-40% số lao động ở lại nhà máy. Với số lượng nhân công hạn chế, năng suất làm việc bị giảm đáng kể, công suất sản xuất chỉ bằng 20-25% so với trước khi giãn cách.

Theo ông Nguyễn Hoài Bảo, quy mô sản xuất bị thu hẹp, sản lượng hàng hóa không đáp ứng được nhu cầu thực tế nên doanh nghiệp ưu tiên thực hiện những đơn hàng cần gấp, còn lại đều phải thương lượng với đối tác dời hoặc lùi thời gian giao hàng.

Tuy nhiên, nỗ lực duy trì sản xuất của doanh nghiệp trong 3 tháng qua đã đạt được mục tiêu không để đứt gãy hoàn toàn chuỗi cung ứng trong nước và giữ chân được những khách hàng quan trọng ở nước ngoài. Đó là thành công của ngành chế biến gỗ trong thời gian phải đối mặt với khó khăn do dịch COVOD-19 mang lại.

Không chỉ có doanh nghiệp trong nước, mà các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng gặp khó khăn trong vừa qua.

Ông Enie Koh, Giám đốc điều hành Công ty nội thất Koda cho biết, trong thời gian các tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội, nhiều khu vực phải phong tỏa, doanh nghiệp chỉ tổ chức sản xuất được cho 50% số lao động, công suất giảm hơn 50%. Cùng với đó, chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển đều tăng là thách thức lớn đối với doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, công ty đã cố gắng giữ mối liên hệ thường xuyên với người mua hàng, cung cấp thông tin tình hình sản xuất để khách hàng yên tâm về khả năng đáp ứng đơn hàng ngay khi tình dịch tiến triển tốt hơn. Chính vì vậy, khi hoạt động sản xuất được khôi phục, doanh nghiệp không quá lo lắng về vấn đề đơn hàng.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhận định, thực tế ghi nhận hoạt động của ngành chế biến gỗ, nội thất Việt Nam trong 2 năm xảy ra dịch bệnh cho thấy các doanh nghiệp có khả năng chống chịu rất tốt.

Hoạt động hỗ trợ, định hướng của hiệp hội ngành nghề đạt hiệu quả cao, đặc biệt là công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và giữ được chân khách hàng kể cả trong giai đoạn khó khăn nhất.

* Khôi phục chuỗi cung ứng

Dù còn nhiều thách thức như giá nguyên liệu nhập khẩu và chi phí vận chuyển tăng cao, song các chuyên gia nhận định, ngành gỗ Việt cũng có nhiều cơ hội và doanh nghiệp đã sẵn sàng để lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Ông Vũ Bá Phú cho rằng, đã qua giai đoạn khó khăn nhất của các doanh nghiệp ngành gỗ khi Chính phủ và các địa phương chuyển chiến lược “thích ứng linh hoạt, an toàn” để mở cửa cho hoạt động sản xuất vào thời điểm thị trường đồ gỗ, nội thất đang sôi động.

Thêm vào đó, quy mô thị trường đồ gỗ, nội thất toàn cầu rất lớn và được dự báo tiếp tục gia tăng  trong thời gian tới. Việt Nam dù là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ nhưng còn chiếm tỷ trọng nhỏ, còn rất nhiều dư địa để gia tăng thị phần.

Về nội lực, nguồn nguyên liệu gỗ của Việt Nam đã được cải thiện khá tốt thông qua phát triển rừng trồng, đến nay đã chủ động được 75% nhu cầu nguyên liệu hàng năm. Các doanh nghiệp ngành gỗ cũng cho thấy sự năng động, linh hoạt, khi tận dụng tốt các kênh thương mại một cách hiệu quả.

Trải qua các đợt dịch COVID-19 trong 2  năm qua, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt dịch thứ 4 nhưng các doanh nghiệp gỗ Việt Nam chưa từng tạm dừng mà vẫn duy trì chuỗi sản xuất trong phạm vi cho phép. Điều này khiến các nhà mua hàng quốc tế tin tưởng vào năng lực thích ứng và hồi phục nhanh chóng của ngành gỗ Việt Nam.

Bà Mary Tarnoka, Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) chia sẻ: Có tới 60% các nhà sản xuất đồ gỗ, nội thất theo hợp đồng tại Việt Nam là đối tác của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ cũng là thị trường xuất khẩu đồ gỗ và nội thất lớn nhất của Việt Nam.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quý III, nhưng quý IV là thời điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp khai thác thị trường Hoa Kỳ vì nhu cầu mua sắm nội thất cho dịp lễ Giáng sinh rất lớn.

Theo bà Mary Tarnoka, các doanh nghiệp, nhà mua hàng Hoa Kỳ vẫn đánh giá cao, tin tưởng vào khả năng khôi phục của ngành gỗ Việt Nam. Nhu cầu của Hoa Kỳ đối với sản phẩm gỗ và nội thất Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong hai năm tới.

Với việc dịch COVID-19 dần được kiểm soát, các tỉnh, thành từng bước nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp ngành gỗ cho biết đã sẵn sàng để khôi phục lại chuỗi cung ứng và lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án thích nghi với điều kiện mới như chuẩn bị nguồn cung nguyên liệu, kêu gọi cho người lao động trở lại làm việc và thông báo với đối tác kế hoạch sản xuất, cung ứng sản phẩm.

Chia sẻ về kế hoạch phục hồi, ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Scansia Pacific cho biết: Hiện tại tỉnh Đồng Nai, nơi đặt nhà máy của công ty đã có kế hoặc cho phép người lao động tại vùng xanh hoặc đã tiêm ít nhất một mũi vaccine có thể đến nhà máy làm việc. 

Điều này có nghĩa công ty sẽ có nhiều công nhân hơn và họ có thể về nhà khi cần thiết để giải tỏa tâm lý, từ đó giúp công suất hoạt động tăng lên và tình hình sản xuất của doanh nghiệp sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Hoài Bảo, để tận dụng tối đa cơ hội thị trường mua sắm những tháng cuối năm, doanh nghiệp đã chủ động dự trữ nguyên liệu đủ để sản xuất trong 3 tháng tới. Như vậy, chỉ cần có đủ lao động, công ty có thể đáp ứng được 90% số đơn hàng trong năm nay.

Ông Glover James Michael, Giám đốc điều hành Công ty Kiến trúc AA Tây Ninh thông tin, công ty đã bắt đầu nhận lại công nhân đã rời nhà máy trước đó. Hiện tại công ty này ghi nhận có khoảng 90% lao động sống gần nhà máy đã đồng ý sau khi được về nhà sẽ trở lại làm việc tại công ty.

Tỷ lệ tiêm vaccine của người lao động tại công ty đã đạt trên 40% nên việc tái mở cửa, phục hồi sản xuất là khả quan.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định: Nếu việc khôi phục sản xuất được đẩy nhanh, trong 3 tháng cuối năm mỗi tháng xuất khẩu đạt 800 triệu USD đến 1 tỷ USD thì ngành gỗ và lâm sản có thể đảm bảo mục tiêu mang về 14,5 tỷ USD mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra từ đầu năm, thậm chí có thể sẽ cán đích xuất khẩu 15 tỷ USD.

“Các doanh nghiệp đã sẵn sàng bứt tốc sau đại dịch. Tuy nhiên, để có thể tái hoạt động như kỳ vọng, cần sự đồng hành của các địa phương trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng được liên tục, đặc biệt tại khu vực sản xuất trọng điểm bào gồm Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh. Đồng thời, ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động các tỉnh để họ có thể trở lại nhà máy làm việc trong thời gian sớm nhất.”, ông Bùi Chính Nghĩa khuyến nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục