Ngành năng lượng đang mở ra cơ hội cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế

17:57' - 30/06/2023
BNEWS Không gian phát triển mới của ngành năng lượng đang mở ra cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tại Việt Nam, đặc biệt, phát triển năng lượng xanh.

Không gian phát triển mới của ngành năng lượng đang mở ra cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tại Việt Nam. Đặc biệt, phát triển năng lượng xanh vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh, vừa đảm bảo phát triển bền vững. Đây là vấn đề được nhiều diễn giả, doanh nghiệp quan tâm tại Hội nghị Năng lượng tái tạo “Cơ hội đầu tư vào năng lượng tái tạo", do Forbes Việt Nam tổ chức chiều ngày 30/6.

 

Tại COP26 (Conference of the Parties - Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26), Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu đưa tổng khí phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050; đồng thời, vào trung tuần tháng 5/2023 vừa qua, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Điện VIII; trong đó, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió.

Tuy cơ hội thì rất nhiều, nhưng lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong thiếu sự đồng bộ về cơ chế chính sách, đòi hỏi các bên cần chung tay thúc đẩy với lộ trình có mục tiêu rõ ràng; trong đó, cộng đồng nhà đầu tư tư nhân cần chủ động tham gia thúc đẩy khai thác năng lượng tái tạo.

Ông Hà Đăng Sơn, Phó Giám đốc Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II), USAID cho biết, Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, với tốc độ gió trung bình 7 m/s, tại nhiều khu vực phía Nam bức xạ mặt trời cao trung bình đạt 1.387-1.534 kWh/kWp/năm thích hợp phát triển phong điện và điện quang. Ngoài lợi thế về gió và bức xạ mặt trời, Việt Nam là đất nước nông nghiệp nên có tiềm năng về phát triển điện sinh khối.

Trong bối cảnh tham gia vào những nỗ lực chung của toàn cầu về lĩnh vực năng lượng; đồng thời, giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và cơ hội đầu tư năng lượng tái tạo trên thị trường toàn cầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam thuộc nhóm có nhiều nỗ lực trong chuyển đổi năng lượng rất mạnh mẽ, nhất là liên quan đến những vấn đề như: cung ứng, cân đối và đảm bảo an ninh năng lượng làm xanh hóa nền kinh tế.

Một số nhà đầu tư tiên phong đánh giá, chính sách thí điểm khuyến khích phát triển điện mặt trời và điện gió đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia phát triển năng lượng tái tạo nhanh trên thế giới giai đoạn năm 2018-2022.

Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư tư nhân đã tham gia vào mắt xích sản xuất điện, cũng là một trong ba khâu của chuỗi giá trị ngành năng lượng gồm: sản xuất - truyền tải - phân phối. Tuy vậy, do thực hiện ở giai đoạn phát triển nóng, một số dự án điện gió, mặt trời cho thấy gặp khó khăn trong việc đấu nối.

Theo ông Supa Waisayarat, Giám đốc quốc gia Việt Nam, Super Energy Corporation Public Company Ltd. (Super Energy) được thành lập ở Thái Lan, mặc dù, những dự án đầu tư tại Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức, nhưng hầu hết đều đưa vào hoạt động hiệu quả.

Đối với nhà đầu tư thì một trong những yếu tố thành công là phải kiên nhẫn và học hỏi để nắm bắt thị trường, cơ chế chính sách... trong triển khai đầu tư, kinh doanh, cụ thể là lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam hay ở nhiều quốc gia khác.

Cũng ở góc độ đại diện cho nhà đầu tư nước ngoài, bà Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Bộ phận kỹ thuật và xây dựng, Công ty UPC Renewables Vietnam cho hay, công ty mong muốn đầu tư cả vào lĩnh vực điện gió và điện mặt trời khi tham gia vào thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi khảo sát thị trường thì nhận thấy điện mặt trời có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia nên công ty tập trung khai thác lợi thế điện gió, cũng như đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này.

Trong khi đó, với kinh nghiệm của một nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực năng lượng, ông Phạm Đăng An, Phó Tổng giám đốc Vũ Phong ENERGY (Tập đoàn Năng lượng Vũ Phong) chia sẻ, hiện hoạt động trong nhiều lĩnh vực của ngành năng lượng tái tạo bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, tư vấn tín chỉ carbon và thủy điện tích năng. Tính đến nay, Vũ Phong ENERGY đã triển khai thành công hơn nghìn dự án và lắp đặt khoảng 700 MWp năng lượng mặt trời.

Mặt khác, Vũ Phong ENERGY cũng hướng đến trọng tâm là cộng đồng doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu sử dụng năng lượng sạch để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng những tiêu chuẩn cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Doanh nghiệp cũng nhận thấy tiềm năng rất lớn ở phân khúc điện mái nhà trong thời gian tới tại thị trường Việt Nam.

Liên quan đến lĩnh vực năng lượng, ông Đặng Quốc Toản, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc công ty CP Năng lượng Dầu khí Á châu (Asia Petroleum Energy Corporation) chỉ ra rằng, cần cơ chế chính sách "mở" cho doanh nghiệp, nhà đầu tư toàn cầu đến đầu tư, kinh doanh, đặc biệt Việt Nam đang là "tâm điểm" của lĩnh vực năng lượng tái tạo châu Á. Làm sao để xây dựng cho Việt Nam một ngành công nghiệp mới như ngành dầu khí, trong đó lĩnh vực năng lượng tái tạo rất tiềm năng.

Khi doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ kéo theo chuỗi cung ứng, nhà cung ứng của họ, tạo việc làm cho người lao động... Điển hình, nhóm doanh nghiệp, nhà đầu tư châu Âu có nhu cầu đầu tư vào những lĩnh vực phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế xanh.

Dự báo, quy mô hệ thống điện Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong 7-8 năm tới, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xã hội và phát triển kinh tế. Ước tính, Việt Nam sẽ cần gần 135 tỷ USD phục vụ phát triển nguồn và lưới điện truyền tải từ nay đến năm 2030 và giai đoạn 2030-2050 là 399-523 tỷ USD.

Bên cạnh nguồn vốn tư nhân trong nước, theo một số doanh nghiệp đầu ngành, dòng vốn đầu tư quốc tế và tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi mô hình năng lượng bền vững tại Việt Nam.

Tài chính là một vấn đề quan trọng, nhưng muốn sử dụng dòng vốn hiệu quả thì yếu tố quan trọng hàng đầu là cơ chế chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp và chính quyền địa phương có điều kiện thuận lợi hơn trong khai thác tiềm năng của lĩnh vực năng lượng tái tạo nói riêng, ngành năng lượng Việt Nam nói chung.

Về phía doanh nghiệp, cần nhận diện và nắm bắt những cơ chế chính sách phù hợp với công ty để tiếp cận và tận dụng vào chiến lược đầu tư, kinh doanh. Bởi không nhà đầu tư hay quỹ đầu tư nào sẽ đầu tư vào những doanh nghiệp, dự án... không có tiềm năng thực thi và mang lại lợi ích kinh tế thiết thực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục