Ngành ngân hàng thích ứng Cách mạng công nghiệp 4.0

15:55' - 15/06/2018
BNEWS Ngày 15/6, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo "Ngành Ngân hàng Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Hội thảo "Ngành Ngân hàng Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN
Phát biểu tại hội thảo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, các ngân hàng Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào một số công nghệ thành tựu của cuộc cách mạng này trong sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, nổi bật nhất là việc triển khai thực tế các công nghệ số nền tảng như: điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng, giải pháp như xác thực sinh trắc học, trao đổi dữ liệu mở qua giao diện chương trình ứng dụng (open API)…nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Đồng thời, sử dụng các kênh phân phối, tiếp cận người dùng trên nền tảng số, các điểm tương tác với khách hàng qua ứng dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội …và ứng dụng các công nghệ số trong cải thiện hiệu quả vận hành hệ thống nội bộ, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ. Từ đó, các ngân hàng có thể nâng cao khả năng quản trị quan hệ khách hàng, giúp ngân hàng hiểu biết sâu sắc hơn về thói quen, sở thích khách hàng để cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp, hỗ trợ quản lý danh mục rủi ro.

Các công nghệ số, công nghệ mới gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ giúp chuyển dịch kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống từ các chi nhánh, quầy giao dịch, ATM vật lý sang các kênh số hóa, giúp tương tác khách hàng nhiều và hiệu quả hơn; mà còn có khả năng thay đổi mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa, giúp các ngân hàng từng bước trở thành ngân hàng số, cung cấp tiện ích, trải nghiệm mới mẻ và đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng. Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, các ngân hàng có nhiều cơ hội tiếp cận và mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp đến những người dân hiện chưa có tài khoản ở vùng sâu, vùng xa với chi phí hợp lý, góp phần đẩy mạnh phổ cập tài chính quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương nhận định, ngân hàng được đánh giá là một trong những ngành chủ động và đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong quản lý và kinh doanh. Sự chủ động này đã tạo ra một nền tảng vững chắc và những lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh mới, khi kinh tế số phát triển, xu thế thanh toán điện tử tăng nhanh, trung tâm kinh tế thế giới dịch chuyển dần từ Tây sang Đông.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương, bên cạnh những lợi thế có không ít rủi ro và thách thức khi sự phát triển của các công nghệ mới như blockchain (công nghệ chuỗi khối), big data (dữ liệu khối lượng lớn), AI (trí thông minh nhân tạo)…đòi hỏi ngành ngân hàng phải có những sự thay đổi về mô hình quản lý, cấu trúc sản phẩm…hay những nguy cơ đến từ các vấn đề về an toàn, an ninh mạng.

Đồng quan điểm, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng ngành ngân hàng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng thích ứng với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; thách thức đối với các ngân hàng trong thay đổi mô hình quản trị điều hành, mô hình kinh doanh, cấu trúc sản phẩm dịch vụ thích ứng với xu hướng khách hàng thế hệ số, nền kinh số cũng như thách thức trong phòng ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo vệ bí mật thông tin khách hàng trong kỷ nguyên số.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để có thể phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả và phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ trong bối cảnh của thế giới, ngành ngân hàng cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo môi trường sinh thái tốt cho các tổ chức tín dụng và các công ty Fintech phát triển cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ số để gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần chú trọng đầu tư, hoàn thiện kết cầu cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin để có thể hiện đại, tự động hóa hầu hết các quy trình nghiệp vụ ngân hàng, phát triển dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng công nghệ số. Điều này, đòi hỏi sự tập trung nguồn lực không chỉ của từng ngân hàng, tổ chức tín dụng mà còn từ phía Chính phủ. Chính phủ cần đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ quốc gia, ban hành và triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích ngân hàng phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục