Ngành ngân hàng trước áp lực nhu cầu nhân lực số

17:44' - 04/03/2020
BNEWS Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nếu như trước đây, sinh viên kinh tế chiếm đến 90% đầu vào của các ngân hàng thì nay chỉ còn 60%.
Có khoảng 96% lượng giao dịch tại VPBank được thực hiện qua các ứng dụng ngân hàng điện tử, nhiều tác vụ không cần đến sự có mặt của con người. Ảnh minh họa: VPBank

Kể từ sau Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng đã bắt đầu thông báo tuyển dụng nhiều vị trí. Điều đáng lưu ý, các vị trí như phát triển phần mềm, kỹ sư công nghệ thông tin nhằm phục vụ việc xây dựng, quản trị hệ thống ngân hàng lõi CoreBanking... lại được các ngân hàng ưu tiên chiêu mộ hơn cả.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), đối tượng tuyển dụng vào ngành ngân hàng hiện nay được ưu tiên săn đón phần lớn là các chuyên gia công nghệ đến từ các trường Đại học Bách Khoa, Tổng hợp chứ không phải chỉ từ các trường kinh tế.

"Nếu như trước đây, sinh viên kinh tế chiếm đến 90% đầu vào của các ngân hàng thì nay chỉ còn 60%", ông Vinh cho hay.

Thực tế này phần nào đã phản ánh tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) lên lĩnh vực ngân hàng. Nhân viên ngân hàng không chỉ cần giỏi chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải có năng lực về công nghệ thông tin, linh hoạt, thích nghi được với những tiến bộ của công nghệ mới và làm chủ được công nghệ. Không chỉ có vậy, cuộc CMCN 4.0 còn kéo theo việc nhiều ngân hàng cắt giảm lượng lớn nhân sự do sự thay thế của máy móc, trí tuệ nhân tạo.

Xét riêng tại ngân hàng VPBank trong năm 2019, đã có hơn 2.000 nhân sự bị cắt giảm, chiếm gần 20% tổng số nhân viên so với hồi đầu năm. Đây là ngân hàng có số nhân viên giảm mạnh nhất năm qua theo thống kê từ báo cáo tài chính đã công bố của hơn 20 ngân hàng thương mại.

Nguyên nhân của sự biến động này theo Tổng Giám đốc VPBank là do ngân hàng tập trung phát triển mảng ngân hàng số, tối ưu hóa các hệ thống vận hành, hoạt động bán hàng, xét duyệt các khoản vay nhỏ đều được thực hiện trên mạng với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo nên nhiều tác vụ không cần đến con người.

"Hiện có khoảng 96% lượng giao dịch được thực hiện qua các ứng dụng ngân hàng điện tử và hệ thống ngân hàng tự động. Chỉ còn khoảng 4% lượng giao dịch tại VPBank là trực tiếp ở các quầy giao dịch và tỉ lệ này sẽ giảm khi VPBank liên tục cải thiện độ ổn định của hệ thống ngân hàng điện tử, tích hợp thêm nhiều tính năng mới nhằm tạo ra một hệ sinh thái ngân hàng số", ông Vinh khẳng định.

Không chỉ VPBank, số lượng nhân viên cắt giảm tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) năm qua cũng tới hơn 1.400 người, chiếm tỷ lệ gần 20% nhân sự của ngân hàng. Ngoài 2 cái tên nêu trên, nhiều ngân hàng thương mại như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)... năm qua cũng đã cắt giảm từ 200-300 nhân viên. Tính chung trong hệ thống, số lượng nhân viên các ngân hàng này cắt giảm năm qua lên tới hơn 4.000 người.

Nhiều người lo lắng trước xu hướng biến động như trên, một lượng lớn nhân viên ngân hàng sẽ thất nghiệp trong tương lai. Nhưng thực tế, các chuyên gia cho biết, những nhân viên nghỉ ở ngân hàng này sẽ tiếp tục "nhảy việc" sang ngân hàng khác có vị trí, chế độ phù hợp hơn trong hệ thống chứ không phải nghỉ hẳn. Mặt khác, việc cắt giảm lượng lớn nhân viên phản ánh việc các ngân hàng đang cơ cấu, sắp xếp lại nhân sự tại một số bộ phận trọng điểm mà những người "nhảy việc" cần lưu ý.

"Sự thay đổi nhu cầu nhân sự cho thấy, các ngân hàng đang có chính sách điều chỉnh nguồn nhân lực theo hướng tăng nhân lực mảng công nghệ, tư vấn, ra quyết định và giảm nhân lực trong các lĩnh vực tác nghiệp, các lĩnh vực tự động hóa - nơi máy móc có thể làm tốt hơn con người. Một số vị trí mới cần thiết trong tương lai sẽ là kỹ sư machine learning, kỹ sư deep learning, chuyên gia phân tích gian lận, chuyên gia chiến lược cho vay... ", TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho hay.

Nếu như trước đây việc cắt giảm nhân lực, thu gọn lại bộ máy hoạt động thường phản ánh sự khó khăn của doanh nghiệp, thì nay, điều này đã không còn chính xác nữa. Động thái cắt cắt giảm nhân sự không những không khiến cho kết quả kinh doanh của các ngân hàng giảm sút mà ngược lại, còn giúp tiết giảm chi phí hoạt động, góp phần tăng trưởng lợi nhuận.

Cụ thể tại VPBank, giảm đến 1/5 số nhân sự tính riêng trong ngân hàng mẹ nhưng lợi nhuận trước thuế năm 2019 tăng tới 24%, đạt mức 5.835 tỷ đồng, chiếm gần 57% tổng lợi nhuận hợp nhất ngân hàng. Còn tại OCB - Á quân cắt giảm nhân sự năm 2019, lợi nhuận cũng tăng gần 47% so với năm 2018, đạt mức 3.232 tỷ đồng cho dù cũng giảm tới 1/5 số nhân viên.

Cắt giảm đến 1/5 số nhân sự nhưng lợi nhuận tại OCB năm 2019 lại không hề suy giảm, thậm chí còn tăng gần 47% so với năm 2018. Ảnh minh họa: OCB

Công nghệ tuy là yếu tổ không thể thiếu trong thời đại 4.0 nhưng cũng chỉ là công cụ để trợ giúp cho con người trong các hoạt động. Vì vậy, bài toán đặt ra với các ngân hàng hiện nay là làm sao "săn" được những chuyên gia vừa am hiểu thành thạo công nghệ nhưng cũng phải vừa nắm vững nghiệp vụ ngân hàng.

Nắm bắt được những chuyển biến này trong nhu cầu nhân lực và chuẩn bị những bước đi cho tương lai, tháng 7/2019, Ngân hàng Nhà nước đã ra Quyết định số 1537/QĐ-NHNN về việc Phê duyệt Ban hành Kế hoạch triển khai chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, kế hoạch tập trung vào xây dựng các tiêu chuẩn nghề nghiệp; tăng cường hợp tác giữa đơn vị đào tạo và đơn vị sử dụng lao động trong ngành ngân hàng; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đào tạo lực lượng cán bộ nắm bắt được tiến bộ khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn của ngành.

Kế hoạch cũng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin tại các tổ chức tín dụng; tăng cường hợp tác, tận dụng hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu từ các tổ chức quốc tế.../. 

>>> Chỉ ra thách thức trong phát triển ngân hàng số

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục