Ngành nông nghiệp triển khai giải pháp thực thi các cam kết COP26

16:28' - 22/09/2022
BNEWS Ngành nông nghiệp sẽ cập nhật, bổ sung cơ chế chính sách phát triển từng lĩnh vực cho phù hợp với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có quyết định tổ chức thực hiện Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022.
Thực hiện đề án này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên như rà soát, đề xuất sửa đổi các bộ luật, luật chuyên ngành, các văn bản dưới luật và cập nhật, bổ sung cơ chế chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phù hợp với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 trên cơ sở đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ ổn định an ninh năng lượng.
Bộ sẽ hoàn thiện pháp luật để thực thi các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về ứng phó với biến đổi khí hậu, các cam kết có tính ràng buộc pháp lý tại Hội nghị COP26; ban hành Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất giai đoạn 2022-2030; xây dựng Đề án bảo vệ, phát triển và nâng cao năng suất chất lượng rừng, tăng lượng hấp thụ và lưu giữ các-bon từ rừng.
Về dài hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Bộ sẽ xây dựng và triển khai Dự án phát triển hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam; ứng dụng các giải pháp quản lý, công nghệ trong trồng trọt; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng; thay đổi phương thức sử dụng đất, nước; ứng dụng các giải pháp quản lý, công nghệ trong chăn nuôi; cải thiện khẩu phần ăn cho vật nuôi.
Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với cơ sở chế biến, bảo quản; ứng dụng công nghệ cao, ít phát thải; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Lâm nghiệp sẽ hỗ trợ phát triển và mở rộng các dịch vụ hệ sinh thái rừng; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các sáng kiến/hoạt động dịch vụ hệ sinh thái rừng; phát triển thị trường và cơ chế chi trả cho các loại hình dịch vụ hệ sinh thái rừng; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng bền vững rừng và đất lâm nghiệp để giảm phát thải và tăng hấp thụ, lưu giữ các-bon rừng; trồng rừng, phát triển rừng, ưu tiên rừng sản xuất, rừng gỗ lớn và rừng ven biển; phục hồi rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên, xúc tiến tái sinh và làm giàu rừng trên các vùng đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; triển khai các chương trình, dự án giảm phát thải và hấp thụ, lưu giữ các bon rừng.
Đầu tư phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai cho các khu vực dễ bị tổn thương đặc biệt là khu vực ven biển, sông, hồ; xây dựng hệ thống quan trắc chuyên dùng và tăng cường năng lực truyền tin cảnh báo nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai cấp cộng đồng.
Bộ cũng sẽ đánh giá nhu cầu công nghệ sạch, phát thải các bon thấp trong các ngành, lĩnh vực để thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục