Ngành ô tô Đức cảnh báo Mỹ về gánh nặng từ thuế quan

07:30' - 21/02/2025
BNEWS Các chuyên gia đã cảnh báo rằng chính người Mỹ là người phải trả chi phí thuế quan đối với hàng nhập khẩu, chứ không phải các nhà xuất khẩu nước ngoài.
Hiệp hội Vận động Hành lang Ô tô Đức (VDA) ngày 19/2 cảnh báo rằng các mức thuế đối với ô tô, dược phẩm và chất bán dẫn nhập khẩu mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ làm tăng giá đối với người Mỹ.

 
Phát biểu tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, ông Trump nói với các phóng viên rằng thuế quan đối với ngành ô tô sẽ "ở mức khoảng 25%". Khi được hỏi về các mức thuế đe dọa đối với dược phẩm và chip, ông Trump cho biết mức thuế sẽ là 25% và cao hơn, và nó sẽ tăng lên đáng kể trong suốt một năm. Ông nói thêm rằng ông muốn cho các công ty bị ảnh hưởng thời gian để đưa hoạt động của họ đến Mỹ. Một số công ty lớn bày tỏ "muốn quay trở lại".

Ông Trump đã công bố một loạt khoản thuế đối với một số đối tác thương mại lớn nhất của đất nước kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2025, lập luận rằng chúng sẽ giúp giải quyết các hành vi không công bằng.

Gần đây, ông đã áp thêm 10% thuế đối với tất cả hàng hóa đến từ Trung Quốc và công bố mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu.

Hiệp hội VDA của Đức đã mô tả thông báo của ông Trump là một "sự khiêu khích" và cảnh báo rằng thuế quan có thể gây tác động ngược lại đối với Mỹ.

Bà Hildegard Mueller, người đứng đầu VDA, cho biết: "Các mức thuế bổ sung sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế Mỹ và làm cho các sản phẩm dành cho người tiêu dùng Mỹ trở nên đắt đỏ hơn".

Các chuyên gia đã cảnh báo rằng chính người Mỹ là người phải trả chi phí thuế quan đối với hàng nhập khẩu, chứ không phải các nhà xuất khẩu nước ngoài.

Khoảng 50% số ô tô bán tại Mỹ được sản xuất trong nước. Trong số hàng nhập khẩu, khoảng 50% đến từ Mexico và Canada. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức cũng là những nhà cung cấp lớn cho Mỹ.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết, Nhật Bản sẽ có hành động thích hợp trong khi xem xét cẩn thận các chi tiết cụ thể của các biện pháp.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của ngành công nghiệp bán dẫn Malaysia, nơi chiếm khoảng 13% công đoạn hoàn thiện sản phẩm trên toàn cầu, nói rằng các chính sách này sẽ phản tác dụng và gây hại cho chính nước Mỹ. Malaysia từ lâu đã là một trung tâm sản xuất chip cho nhiều công ty bán dẫn của Mỹ.

Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Malaysia, Datuk Seri Wong Siew Hai, cho biết nếu Malaysia vận chuyển các sản phẩm này trở lại Mỹ, nó sẽ chỉ làm tăng chi phí linh kiện trở lại Mỹ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục