Ngành sữa kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021

08:35' - 14/02/2021
BNEWS Triển vọng tăng trưởng năm 2021 ngành sữa ít nhạy cảm hơn với dịch COVID-19
Dịch COVID-19 đã có tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành sữa dường như  ít chịu tác động bởi "cơn bão" này.

Theo nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), trái với tác động tiêu cực của COVID-19 lên kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam, giá trị tiêu thụ sữa và các sản phẩm sữa ở Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí mạnh hơn so với trước dịch trong năm 2020. Cụ thể, trong tiêu thụ sữa ở khu vực thành thị tăng trưởng 10% trong khi ở khu vực nông thôn tăng trưởng 15%.

Theo Euromonitor, sản lượng tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam đạt 1.76 triệu tấn (+8.6% ) trong năm 2020. Việt Nam thuộc top các quốc gia có mức tiêu thụ sữa khá thấp, chỉ với 26-27 kg/người/năm (trung bình thế giới đạt khoảng 100 kg/người/năm và trung bình tại châu Á đạt 38 kg/người/năm). 

Sau giai đoạn giảm tốc 2016 – 2019, tăng trưởng thị trường sữa và các sản phẩm từ sữa trong nước đang có dấu hiệu cải thiện. Năm 2020, doanh thu các sản phẩm sữa tại Việt Nam đạt 64,4 nghìn tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 10,3%. Doanh thu sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam dự kiến sẽ duy trì ở mức 7-8%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025, đạt tổng giá trị khoảng 93,8 nghìn tỷ đồng vào năm 2025. Trong đó, sữa chua được kỳ vọng có tốc độ tăng trưởng cao nhất với tốc độ tăng trưởng CAGR là 12%/năm. 

Theo báo cáo thị trường của Kantar Worldpanel, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa tại Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực do cơ cấu dân số trẻ, thu nhập trung bình tăng; xu hướng sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, tăng cường miễn dịch; xu hướng tiêu thụ các sản phẩm tiện lợi, có thương hiệu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Kết quả kinh doanh năm 2020 cũng đã khẳng định các doanh nghiệp sữa ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Năm 2020, Vinamilk đạt tổng doanh thu hợp nhất gần 60.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ 2019 và đưa các công ty thành viên GTN, MCM tăng trưởng ấn tượng chỉ sau 1 năm sáp nhập. Với mức tăng trưởng doanh thu 7,4% so với 2019, hoạt động xuất khẩu của Vinamilk trong năm 2020 đã tạo nhiều dấu ấn trong bối cảnh khó khăn chung, đóng góp tích cực cho ngành sữa cả nước.

Báo cáo Triển vọng ngành sữa năm 2021 của Bộ phận phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) công bố mới đây đã khẳng định, triển vọng tăng trưởng năm 2021 ngành sữa ít nhạy cảm hơn với dịch COVID-19. Mặc dù sữa được coi là mặt hàng thiết yếu, nhưng xu hướng tiêu thụ có thể theo “mô hình chữ K”. 

Theo đó, nhu cầu từ người tiêu dùng có thu nhập thấp vẫn có thể bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 đã gây thiệt hại đến thu nhập của nhóm này, hoặc đối với những người tiêu dùng nhạy cảm về giá. Các công ty như Vinamilk và Vinasoys đã chứng kiến hiện tượng cơ cấu sản phẩm bán ra dịch chuyển về phía các sản phẩm giá rẻ. Ngược lại, sự phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra do nhóm thu nhập trung bình và cao ít bị ảnh hưởng hơn và họ vẫn sẽ có xu hướng gia tăng tiêu thụ các sản phẩm cao cấp.

Các chuyên gia SSI cũng nhận định, giá sữa nguyên liệu có khả năng tăng nhẹ trong năm 2021, cũng giống như xu hướng tăng giá của các loại hàng hóa khác. Theo đó, giá sữa nguyên liệu có thể tăng 4% so với cùng kỳ trong năm 2021. Ngoài ra, giá dầu cao hơn trong năm 2021 có thể sẽ ảnh hưởng đến chi phí đóng gói và vận chuyển.
 

Các chuyên gia PHS thì cho rằng động lực thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm sữa trong năm 2020 chủ yếu từ ý thức về sức khỏe của người dân, đặc biệt là người tiêu dùng ở thành thị, được nâng lên dưới áp lực của đại dịch và các sản phẩm sữa có tác dụng củng cố hệ miễn dịch của con người. Do đó, kỳ vọng ngành sữa tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng một chữ số khoảng 8% trong năm 2021 khi đại dịch COVID-19 chưa được kiểm soát triệt để và sẽ vẫn thúc đẩy người tiêu dùng tăng cường sử dụng các sản phẩm sữa có lợi cho sức khỏe.

Người tiêu dùng trong nước ngày càng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc nguyên liệu cũng như xuất xứ và sự an toàn của các sản phẩm sữa. Do đó, họ thường lựa chọn các sản phẩm sữa được sản xuất trực tiếp từ sữa tươi so với các sản phẩm sữa hoàn nguyên. Xu thế lựa chọn này được thể hiện rõ tại khu vực đô thị, nơi nhận thức người tiêu dùng tốt hơn và với thu nhập cao hơn, họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những sản phẩm tốt nhất.

Các “ông lớn” trong ngành sữa như Vinamilk, Dutch Lady cũng đã loại bỏ dần sử dụng sữa hoàn nguyên để sản xuất sữa nước. Tuy nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu và công nghệ nông nghiệp tối ưu cho bò sữa vẫn còn nhiều hạn chế.

Điều này dẫn đến lượng sữa tươi trong nước có chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật đầu vào chỉ đạt khoảng 30%-35% nhu cầu nguyên liệu của các doanh nghiệp lớn. Sữa tươi đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt là sữa đạt chuẩn hữu cơ ở Việt Nam đến nay cung vẫn không đủ cầu. Kiểm soát được vùng nguyên liệu sữa trở thành vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp sản xuất sữa tại Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục