Ngành tài chính phải bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

20:06' - 07/07/2022
BNEWS Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, ngành tài chính đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân...

Tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra chiều ngày 7/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, ngành tài chính đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, nhất là nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả như: miễn, giảm thuế giá trị gia tăng; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu…

 

Trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước đạt 66,7% dự toán, hầu hết các sắc thuế đều đạt khá; tăng thu, giảm chi. Bên cạnh đó, chi ngân sách rất tích cực, thực hiện giảm chi và đã đề xuất Chính phủ tiết kiệm chi để sử dụng nguồn lực nhà nước bình ổn giá, tháo gỡ khó khăn, thực hiện kiểm soát lạm phát, xử lý những vấn đề tồn đọng, điểm nghẽn của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ, kịp thời tham mưu, tăng cường phân tích, dự báo; rà soát kỹ, cập nhật các kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng được giao; đề xuất cấp có thẩm quyền các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đặc biệt, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đề ra.

Ngoài ra, Bộ Tài chính căn cứ vào tiến độ, nhu cầu để xây dựng Đề án huy động nguồn vốn xã hội thông qua kênh trái phiếu hoặc bảo lãnh Chính phủ nhằm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội một cách kịp thời, hợp lý, sử dụng vốn có hiệu quả.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý thu; rà soát, nắm chắc nguồn thu; tiếp tục mở rộng cơ sở thuế cả đối tượng và địa bàn; chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu, giảm bớt phạm vi và tỷ lệ quản lý thuế theo phương pháp khoán.

Tại hội nghị, một số địa phương cũng nêu những khó khăn trong 6 tháng đầu năm như một số khoản thu nội địa bị ảnh hưởng bởi miễn giảm thuế, phí; giá xăng dầu tăng cao gây khó khăn cho người dân và thu ngân sách; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân cho rằng, dù số thu ngân sách nhà nước những tháng đầu năm cao, nhưng chưa tương xứng tiềm năng, cơ cấu nguồn thu chưa bền vững.

Hải Phòng phấn đấu dự toán thu năm nay vượt kế hoạch, hạn chế việc ứng trước chi ngân sách nhà nước và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, kiến nghị Chính phủ xem xét việc phân chia ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương sao cho phù hợp với yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong những tháng cuối năm, ngành tài chính sẽ tập trung triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đã đề ra.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022; phấn đấu thu vượt mức dự toán Quốc hội quyết định; tăng quản lý thu, nắm chắc nguồn thu trên địa bàn để có giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng thu.

Đặc biệt, điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2022 theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục