Ngành tài chính tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài

15:09' - 17/01/2017
BNEWS Năm 2017, ngành tài chính sẽ huy động 340.000 tỷ đồng vốn trên cơ sở tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ hạn dài nhằm bù đắp bội chi 184.000 tỷ đồng và trả nợ gốc 156.000 tỷ đồng.
Kiểm tra, giám sát đấu thầu trái phiếu điện tử. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Theo đánh giá của Kho bạc Nhà nước, cơ chế chính sách liên quan đến phát hành trái phiếu Chính phủ có sự điều chỉnh kịp thời.

Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn tỷ lệ bảo đảm an toàn trong tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều hơn tới thị trường Trái phiếu Chính phủ của Việt Nam .

Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước phát hành đa dạng các loại kỳ hạn Trái phiếu Chính phủ từ 3 năm đến 30 năm; trong đó, tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn từ 5 năm trở lên nhằm kéo dài kỳ hạn trung bình trái phiếu.

Đồng thời, giảm áp lực trả nợ cho ngân sách nhà nước trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc trao đổi với các thành viên thị trường được thực hiện thường xuyên để nắm bắt nhu cầu, khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2016 ngành tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên, chiếm 91,1% tổng khối lượng phát hành năm 2016, vượt yêu cầu theo Nghị quyết Quốc hội là tối thiểu 70%. Lãi suất trái phiếu bình quân năm 2016 là 6,49%/năm; giảm 54,5% so với năm 2011 và giảm 17% so với năm 2013.

Việc hoán đổi trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn còn lại dưới 5 năm để tái cơ cấu danh mục nợ được thực hiện thành công.

Đến cuối năm 2016, cơ cấu các khoản nợ vay trong nước/vay nước ngoài trong danh mục nợ của Chính phủ khoảng 59%/41%; tăng so với các năm trước, phù hợp với mục tiêu đã đề ra và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn vay ngoài nước.

Năm 2016, ngành tài chính chủ động, tích cực triển khai giải pháp huy động vốn cho Ngân sách Nhà nước. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tiền tệ không làm ảnh hưởng đến việc huy động và tăng trưởng tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Cũng trong năm qua, cơ quan này đã phát hành 281.750 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trên thị trường; huy động 55.000 tỷ đồng từ Bảo hiểm xã hội; giải ngân vốn vay ODA và vay ưu đãi khoảng 1,9 tỷ USD, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán và đầu tư các chương trình, dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục