Ngành than chủ động ứng phó với bão số 3

20:41' - 18/08/2016
BNEWS Chiều ngày 18/8, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có công điện khẩn số 14/CĐ-BCĐ gửi các Tổng công ty, công ty và đơn vị trực thuộc về việc ứng phó với cơn bão số 3.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản gửi công điện yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó với cơn bão số 3. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, TKV yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 và ảnh hưởng hoàn lưu bão để chủ động ứng phó. Phân công trực ban 24/24 giờ (đặc biệt là phân công trực cụ thể vào các ngày nghỉ); kiểm đếm các tầu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển và yêu cầu các tàu thuyền, phương tiện chủ động di chuyển kịp thời về nơi tránh trú bão bảo đảm an toàn tại nơi neo đậu.

Cùng với việc kiểm tra, theo dõi phát hiện những nguy cơ vỡ đập chắn, vỡ hồ thải quặng đuôi, sạt lở bãi thãi; kịp thời xử lý bảo đảm an toàn công trình và phòng chống bão, mưa lớn, các đơn vị cũng phải kiểm tra, giằng néo, chống tốc mái các công trình xây dựng, các công trình có chiều cao lớn, lập biện pháp đảm bảo an toàn cho thiết bị, tài sản.

TKV cũng yêu cầu các đơn vị củng cố các tầng bãi thải, hệ thống bơm thoát nước, hệ thống cung cấp điện, máy phát điện dự phòng đảm bảo sẵn sàng phát điện. Các đơn vị tăng cường phủ bạt, củng cố đê bao bảo vệ các kho than; khơi thông, nạo vét các mương rãnh và suối thoát nước bị bồi lấp trong những ngày mưa lũ vừa qua đảm bảo thông thoát tốt.

Bên cạnh đó, cảnh báo đến tất cả cán bộ công nhân viên, các phương tiện của đơn vị và nhân dân không được đi qua các đường tràn, đập tràn, đường qua suối khi mưa to; cử người gác tại các đường tràn, đập tràn do đơn vị quản lý. Bố trí nhân lực, thiết bị thường trực tại các vị trí trọng yếu có nguy cơ sạt lở đất để kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra.

Ngoài ra, các đơn vị cũng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện di dời các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lún và sạt lở đất, không đảm bảo an toàn; thực hiện việc di dân tại các khu chung cư, tập thể đã xuống cấp (cấp D) do đơn vị quản lý theo đúng chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương.
Theo TKV, nguy cơ lớn nhất với các đơn vị sản xuất than, khoáng sản trong mùa mưa bão, đó là áp lực lò với khai thác hầm lò và nguy cơ sụt lở bãi thải đối với khai thác lộ thiên.

Chính vì vậy, lãnh đạo Tập đoàn, Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra và đôn đốc các đơn vị triển khai các biện pháp phòng vệ,
Cụ thể, với các đơn vị khai thác lộ thiên, Tập đoàn yêu cầu rà soát lại toàn bộ các khu vực xung yếu và chỉ đạo các đơn vị khơi thông dòng chảy, gia cố các đập chắn tại chân các bãi thải.

Đặc biệt, để ngăn nước mặt do mưa chảy vào khai trường, các đơn vị khai thác lộ thiên như Cọc Sáu, Cao Sơn, Núi Béo, Đèo Nai, Hà Tu đã tiến hành đắp đê xung quanh bãi thải, nạo vét suối quanh khai tr ường nhằm chống sạt lở và dẫn nước chảy theo các mương thoát ra ngoài biên khai trường...
Với các khu vực hầm mỏ, trọng tâm là công tác thoát nước mỏ, thông gió mỏ khi có mưa bão. Do đó, hệ thống bơm nước của các đơn vị đã được nâng cấp và củng cố có thể đáp ứng yêu cầu bơm nước với lưu lượng cao hơn nhiều lần thiết kế ban đầu. Các đơn vị kho vận, sàng tuyển than cũng đã triển khai phương án bảo vệ kho bãi, nhà máy, phòng chống thất thoát than khi có mưa lớn.
Theo thống kê của Ban Môi trường thuộc TKV , trước khi bước vào mùa mưa bão năm nay, tại tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn đã thi công xong tuyến đê chắn chân bãi thải khu vực Mông Dương, đập số 2 suối H10, đập số 4 suối Vũ Môn, đập số 1 suối 9.8 b ãi thải Đông Cao Sơn.

Đồng thời, tiến hành nạo vét đất đá, củng cố các hố lắng và đập chắn chân các bãi thải hiện có nh ưư: Đập số 1 Cẩm Thành bãi thải Nam Khe Tam, đập số 1 và 2 bãi thải Ngã Hai Quang Hanh, đập chân bãi thải Nam Lộ Phong, đập chân bãi thải vỉa 7-8 Hà Tu, đập Giáp Khẩu và Cái Đá bãi thải Chính Bắc Núi Béo. Tập đoàn cũng đã thực hiện di dời hơn 100 hộ khu vực dân cư tổ 1 và 2 khu 4 phường Mông Dương.
Ngoài ra, Tập đoàn và các đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương tổ chức tốt công tác chỉ đạo, xây dựng phương án ứng phó kịp thời, quyết liệt với những tình huống sự cố cụ thể xảy ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục