Ngành than Indonesia sa sút do nhu cầu từ Ấn Độ giảm

16:05' - 20/05/2020
BNEWS Các công ty khai thác than Indonesia đang phải vật lộn với tình trạng giảm cung trong năm nay khi thị trường xuất khẩu than lớn nhất của Indonesia là Ấn Độ sụt giảm nhu cầu.

Các công ty khai thác than Indonesia đang phải vật lộn với tình trạng giảm cung trong năm nay khi các doanh nghiệp Ấn Độ - một trong những thị trường xuất khẩu than lớn nhất của Indonesia - bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh phong tỏa kéo dài nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan.

Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit dự báo rằng nhập khẩu than của Ấn Độ  - mặt hàng chủ yếu được sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện - sẽ giảm 19,1% trong năm nay xuống còn 149 triệu tấn.

Điều này sẽ khiến xuất khẩu than của Indonesia giảm 10% xuống còn 406 triệu tấn trong năm 2020, so với mức 451 triệu tấn vào năm ngoái.

Ông James Stevenson - Giám đốc cấp cao phụ trách ngành than, kim loại và khai khoáng tại IHS Markit - cho biết, nhập khẩu than của Ấn Độ dự báo sụt giảm xuất phát từ các hoạt động kinh doanh và công nghiệp sa sút do lệnh phong tỏa kéo dài.

Trao đổi với tờ Jakarta Post hôm 15/5, ông James cho hay sự thay đổi thực sự đến từ lệnh phong tỏa tại Ấn Độ.

Quốc gia Nam Á này - vốn là thị trường khá lớn đối với ngành than Indonesia - được dự báo sẽ giảm khoảng 35 triệu tấn than nhập khẩu.

IHS Markit từng dự báo xuất khẩu than của Indonesia sẽ đạt 419 triệu tấn, trước khi Ấn Độ công bố lệnh phong tỏa kéo dài do dịch COVID-19 và các điều kiện thị trường trở nên tồi tệ hơn tại Đông Nam Á và Đông Á - hai thị trường xuất khẩu than lớn khác của Indonesia.

Ấn Độ đã ban hành lệnh phong tỏa hôm 24/3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, qua đó buộc hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa.

Quốc gia này đã bốn lần kéo dài lệnh phong tỏa, trong đó lần gần đây nhất là hôm 17/5 vừa qua kéo dài đến tận ngày 31/5 tới.

Ngoài ra, sau khi lệnh phong tỏa chính thức kết thúc, Ấn Độ sẽ mất nhiều thời gian để khởi động lại nền kinh tế.

Indonesia là nhà sản xuất than lớn nhất thế giới. Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Indonesia (BPS), mặt hàng này đóng góp tới 14% giá trị xuất khẩu của Indonesia.

Thâm hụt thương mại của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á lên tới 350 triệu USD trong tháng Tư do xuất khẩu sụt giảm 7,02%, giá cả hàng hóa cũng như nhu cầu của thế giới sụt giảm do tác động của dịch COVID-19.

Trước đó, hai công ty khai thác than của Indonesia có lợi nhuận cao nhất hồi năm ngoái là PT Adaro Energi và PT Bukit Asam (PTBA) đã cho rằng lệnh phong tỏa của Ấn Độ là “rủi ro lớn” trong quý II, ngoài nhu cầu tiêu thụ nội địa sụt giảm.

Lãnh đạo của Adaro và Bukit Asam cho biết sẽ chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường Đông Nam Á và Đông Á khác.

Trong quý I, 19% sản lượng khai thác của Adaro đã được xuất khẩu sang Ấn Độ. Ngoài ra, công ty này cũng xuất khẩu sang Trung Quốc, Đông Á, Đông Nam Á - trong đó có cả Indonesia - và các thị trường khác như New Zealand, Pakistan và châu Âu. Lợi nhuận của Adaro đã giảm 17,36% so với cùng kỳ xuống còn 98,17 triệu USD do giá than và nhu cầu sụt giảm tại châu Á.

Giám đốc thương mại của Bukit Asam, ông Adib Ubaidillah cho hay công ty này vẫn có thể bán than cho Ấn Độ song chỉ qua các cảng tư nhân với số lượng không lớn.

Công ty hiện đang thăm dò các các thị trường xuất khẩu mới tại châu Á như Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Theo báo cáo tài chính quý I/2020, lợi nhuận của Bukit Asam đã giảm 20,5% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 903.240 tỷ rupiah.

Trong khi đó, số liệu của POSOCO - công ty phân phối điện thuộc sở hữu nhà nước của Ấn Độ - cho thấy sản lượng điện than đã sụt giảm 32% vào cuối tháng Ba vừa qua khi quốc gia này bắt đầu lệnh phong tỏa. Trong khi đó, sản lượng điện và năng lượng tái tạo, dẫn đầu là thủy điện, bắt đầu tăng dần./.

  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục