Ngành than tái cơ cấu từ nhân lực

08:58' - 18/08/2016
BNEWS Các mỏ lộ thiên đã dần cạn kiệt cùng điều kiện khai thác ở nhiều mỏ hầm lò ngày càng khó khăn khiến mục tiêu đảm bảo sản lượng khai thác của ngành than ngày càng gian nan.
Ngành than nỗ lực tái cơ cấu nhân lực đảm bảo hoạt động khai thác. Ảnh: TTXVN

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do các điều kiện thiên nhiên cùng nhiều loại phí và thuế làm trở ngại việc hạch toán giá thành... nhưng ngành than vẫn đảm bảo sản lượng khai thác, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng trong nước và duy trì việc làm cho hàng vạn công nhân mỏ.

Phân xưởng Khai thác 4, Công ty Than Quang Hanh, tại Tp. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh là đơn vị có nhiều thế mạnh trong khai thác than và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Anh Hoàng Văn Sỹ, công nhân phân xưởng cho biết, điều kiện khai thác than của đơn vị khá bất lợi như: sản xuất phân tán nhiều mức, trữ lượng than huy động mức âm 175 đến âm 50m so với mực nước biển, nhiều diện sản xuất phải đi xa, khả năng cơ giới hóa không thuận lợi. Bên cạnh đó, chất lượng than xấu cộng với sản xuất lộ thiên ngày càng khó khăn mang tính tận thu nhỏ không đảm bảo hiệu quả.

Theo anh Sỹ, tất cả các hạn chế trên dẫn đến việc khai thác than ngày càng khó khăn, năng suất thấp. Nhưng được sự hỗ trợ của công ty về đào tạo trình độ cho công nhân, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại đưa vào khai thác nên đến nay, năng suất đào lò của phân xưởng đã tăng từ 1,5 -2 lần so với trước đây.

Phó Giám đốc Công ty Than Quang Hanh Dương Sơn Bài cho biết, không phải đợi khi có chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu của Tập đoàn theo Quyết định số 314/QĐ-TTg ngày 07/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ thì công ty mới thực hiện mà đã bắt đầu triển khai từ trước đó khá lâu.

Theo đó, công ty đã thanh lọc, lựa chọn nhân sự có kinh nghiệm, chuyên môn tốt sắp xếp vào những công việc phù hợp. Những bộ phận dư thừa lao động cũng được công ty sáp nhập lại để chuyên môn hóa theo lĩnh vực được sắp xếp.

Than Quang Hanh chủ động sắp xếp lại nhận lực, áp dụng công nghệ để tạo hiệu quả cao nhất trong sản xuất. Ảnh: TTXVN

Bộ máy tổ chức của công ty cũng được sắp xếp hợp lý theo yêu cầu thực tế công việc. Qua sàng lọc, đánh giá cho thấy, tổng số lao động dư thừa của Quang Hanh khoảng 30 người và số lượng nhân sự dôi dư này, công ty đã có kế hoạch chuyển sang hệ thống sàng tuyển than Lép Mỹ vừa khánh thành.

Ngoài ra, công ty đã áp dụng các công nghệ phù hợp cho từng điều kiện cụ thể để giảm được các loại hình công nghệ khai thác mất nhiều chi phí, nhân công, năng suất thấp, thay vào đó tăng sản lượng thông qua các lò chợ có giá thủy lực di động.

Đồng thời, khai thác tối đa các thiết bị máy xúc đá, than phục vụ việc thi công các gương lò dưới mức âm 175m. Công ty cũng giao khoán chi phí cho các đơn vị phòng ban và kiểm soát chi phí sản xuất để giảm gía thành sản xuất than.

“Đối với Than Quang Hanh, việc tái cơ cấu từ con người đến công nghệ vào thời điểm này cơ bản là xong” – Phó Giám đốc Dương Sơn Bài khẳng định.

Cũng theo Phó Giám đốc Dương Sơn Bài, sau khi tái cơ cấu, công ty hiện còn 15 phòng ban, giảm 2/3 so với trước đó. Các đơn vị sản xuất hầm lò hiện có 5 phân xưởng đào lò, 5 đơn vị vận tải và 12 đơn vị khai thác.

Quy mô này hiện khá phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Nhờ đó, sản lượng khai thác của đơn vị tăng từ 10-20%/năm, lương người lao động tăng từ 2-3%. Năm nay, công ty cố gắng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đạt 25 tỷ đồng; bình quân lương lao động đạt 11 triệu đồng/người/tháng.

Theo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Quang Hanh chỉ là một trong nhiều đơn vị của Tập đoàn thực hiện tốt việc sắp xếp lại lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đẩy manh tái cơ cấu từng doanh nghiệp thành viên. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Hiện nay, giá các sản phẩm than, khoáng sản đang giảm mạnh làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định và phát triển kinh doanh bền vững của Tập đoàn.

Để vượt qua những thách thức trên, Tập đoàn đang tập trung thực hiện xác định lại trữ lượng nguồn tài nguyên để đầu tư khai thác gắn liền với chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Từ đó, triển khai khảo sát, thăm dò địa chất đối với các vỉa than, khoáng sản rắn sâu (từ -300m trở xuống) đối với các vùng Quảng Ninh, Đồng bằng Sông Hồng. Đây là nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề đối với TKV vì muốn thực hiện có hiệu quả đòi hỏi việc phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan, tiếp cận và ứng dụng thực tiễn các phương pháp phân tích số liệu địa chất trong nước và quốc tế có độ tin cậy cao.

Tập đoàn cũng thực hiện cơ chế khoán, quản trị chi phí trong toàn Tập đoàn dựa trên cơ sở các hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật tiên tiến, kết hợp với các phương pháp phân tích cơ cấu giá thành phù hợp với các điều kiện địa chất, khai thác khác nhau.

Tập đoàn cũng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển khoa học, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất, nâng cao mức độ an toàn, bảo vệ môi trường, cũng như đảm bảo tiến độ các dự án quyết định tăng trưởng của Tập đoàn trong các lĩnh vực để hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2015-2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 đã đề ra.

Trước mắt, sẽ ưu tiên đẩy mạnh các dự án khai thác mỏ than hầm lò vì hiện nay, xu hướng phân bố tài nguyên trữ lượng than, khoáng sản ngày càng sâu và phức tạp đòi hỏi phải phát triển hệ thống khai thác liên kết một số mỏ hiện nay thành hệ thống mỏ lớn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục