Ngành thời trang hàng hiệu thế giới sẽ thu hẹp quy mô đáng kể hậu COVID-19 (Phần 2)

05:30' - 01/08/2020
BNEWS Những thương hiệu mới còn non trẻ và thương hiệu nhỏ, độc lập, sẽ khó khăn hơn để trụ vững tới khi dịch bệnh chấm dứt và niềm tin người tiêu dùng phục hồi như trước kia.
Neiman Marcus trở thành doanh nghiệp bán lẻ lớn thứ hai của Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Ảnh: TTXVN phát

* Thu hẹp quy mô để vượt qua khó khăn

Các công ty thời trang toàn cầu đang nỗ lực vượt qua tác động của đại dịch đối với hoạt động kinh doanh của mình. Những công ty lớn hơn, thường có vị thế và cơ hội phục hồi tốt hơn nhờ danh tiếng với người tiêu dùng, tài sản tích lũy và các bảng cân đối kế toán mạnh.

Trong khi đó, những thương hiệu mới còn non trẻ và thương hiệu nhỏ, độc lập, sẽ khó khăn hơn để trụ vững tới khi dịch bệnh chấm dứt và niềm tin người tiêu dùng phục hồi như trước kia.

Các chuyên gia tài chính dự đoán, hoạt động M&A trong lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu sẽ "im ắng" trong ngắn hạn do quá nhiều công ty gặp khó khăn về tài chính, tạo nguồn cung khổng lồ cho các nhà đầu tư.

Erwan Rambourg, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về người tiêu dùng và bán lẻ tại Ngân hàng HSBC, nhận định ngành thời trang cao cấp sẽ có sự phục hồi theo mô hình "trăng lưỡi liềm", với doanh số giảm xuống đáy trong quý II/2020 và phục hồi ổn định hơn trong nửa cuối năm nay.

Chủ tịch Công ty Tư vấn Tomorrow Consulting và là cựu Giám đốc điều hành của Công ty nghiên cứu Barneys New York Julie Gilhart cho biết ngành thời trang thế giới vẫn đang chuyển động, bất chấp những khó khăn từ đại dịch đang "ngáng đường". Theo chuyên gia này, ngành công nghiệp thời trang thế giới cần phải được "sửa chữa".

Bà Julie Gilhart tiết lộ các nhà bán lẻ, nhà thiết kế thời trang và những nhà doanh nghiệp thuộc ngành khác liên quan, đã dành hàng giờ trong các hội nghị video Zoom để tìm ra biện pháp cứu vãn hoạt động kinh doanh của mình.

Một số giải pháp khắc phục chính đã được xem xét tới, bao gồm giảm số lượng chương trình biểu diễn thời trang và khối lượng quần áo được sản xuất ra mỗi mùa. Trong khi đó, việc phân phối và tung ra sản phẩm mới sẽ được thực hiện theo mùa như đã từng được duy trì trong quá khứ thay vì mỗi tháng như hiện tại.

Các thương hiệu thời trang lớn, bao gồm Saint Laurent và Dries Van Noten, đã tuyên bố họ sẽ không tổ chức các buổi biểu diễn thời trang trực tiếp hàng năm vào tháng Chín và đang xem xét lại toàn bộ chiến lược kinh doanh. 

Nhà thiết kế Gucci Alessandro Michele đã đăng trên trang Instagram cá nhân thông tin cho biết Gucci đang thu hẹp danh sách hiện tại 5 năm chương trình trình diễn bộ sưu tập mới xuống còn 2 chương trình trong thời gian tới.

Và các nhà tổ chức trình diễn thời trang công nghiệp ở New York và London cũng giám sát lịch trình tuần lễ thời trang của mỗi thành phố, kêu gọi các nhà thiết kế chỉ đơn giản là sản xuất ít quần áo hơn.

Giám đốc điều hành của Hilldun, một công ty dịch vụ tài chính phục vụ cho các doanh nghiệp thời trang, Gary Wassner, nói: "Tôi luôn là một người lạc quan. Thời trang sẽ không bao giờ biến mất. Mỗi ngày bạn đưa ra quyết định về việc mặc gì. Bạn sẽ luôn muốn trở thành người tạo ra câu chuyện của riêng mình."./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục