Ngành thuốc lá điện tử Trung Quốc cắt giảm 50.000 nhân viên

17:27' - 20/12/2019
BNEWS Các số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Trung Quốc cho thấy ngành thuốc lá điện tử nước này đã sa thải khoảng 50.000 nhân viên kể từ tháng 10 vừa qua, tương đương 10% lực lượng lao động.

Các số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Trung Quốc cho thấy ngành thuốc lá điện tử nước này đã sa thải khoảng 50.000 nhân viên kể từ tháng 10 vừa qua, tương đương 10% lực lượng lao động, trong bối cảnh việc siết chặt quy định tại Mỹ và Trung Quốc gây khó khăn cho ngành này.

Ông Ngao Duy Nặc, Thư ký Ủy ban Ngành thuốc lá điện tử thuộc Hiệp hội trên, cho rằng việc giám sát truyền thông liên quan thuốc lá điện tử tại Mỹ - thị trường tiêu thụ lớn nhất mặt hàng này- cũng đã khiến nhu cầu sử dụng sụt giảm, tương tự như Trung Quốc cấm kinh doanh trực tuyến thuốc lá điện tử.

Là nơi sản xuất xấp xỉ 90% sản lượng thuốc lá điện tử trên toàn thế giới nhờ lực lượng lao động hùng hậu 500.000 người, nhưng đến nay các xưởng sản xuất tại thành phố Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc, đang dần thu hẹp và phải cắt giảm hàng loạt nhân viên.

Đầu tháng này, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Trung Quốc Âu Tuấn Bưu, nhà sáng lập công ty thuốc lá điện tử Sigilei, cho biết doanh nghiệp này đã cắt giảm khoảng một nửa trong tổng số khoảng 1.000 nhân viên công ty.        

Nhân viên tại một xưởng sản xuất khác với khoảng 300 công nhân cho biết các đơn đặt hàng đã giảm 30% so với thời kỳ đỉnh điểm và Ban giám đốc của công ty sẽ cân nhắc sa thải người lao động nếu môi trường pháp lý cho ngành này không thông thoáng hơn trong năm tới.

Những năm gần đây, không chỉ tại Trung Quốc, mà nhiều công ty ở các nước phát triển đã đầu tư hàng tỷ USD cho lĩnh vực thuốc lá điện tử trong bối cảnh thị trường thuốc lá truyền thống dần thu hẹp. Tuy nhiên, dư luận ngày càng quan ngại về độ an toàn của những sản phẩm này khi liên tiếp xuất hiện các ca tử vong hoặc mắc bệnh liên quan tới thuốc lá điện tử, cũng như tỷ lệ nghiện thuốc lá điện tử đáng báo động ở độ tuổi vị thành viên.

Tại Mỹ, 52 ca tử vong và gần 2.500 ca bệnh phổi đã được xác nhận có liên quan tới loại thuốc lá này trong năm 2019./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục