Ngành trồng trọt sẽ phát huy lợi thế vùng miền theo chuỗi giá trị

17:35' - 11/05/2021
BNEWS Dự thảo Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng theo hướng phát huy lợi thế vùng miền theo chuỗi giá trị.

Dự thảo Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược) đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và xin ý kiến góp ý để hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Là ngành sản xuất chủ lực của nông nghiệp, Chiến lược sẽ thực hiện cơ cấu lại trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng và lợi thế từng vùng, miền; đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sản xuất trồng trọt sẽ cơ cấu lại theo 3 cấp sản phẩm: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, bao gồm: lúa gạo, sắn, rau, trái cây, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm đặc sản địa phương.
Phát huy lợi thế vùng miền, Chiến lược định hướng cơ cấu lại theo vùng sinh thái, tạo điều kiện phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị, tạo không gian phát triển mới.

Theo đó sẽ khai thác tốt hơn thế mạnh của các vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, vùng Trung du miền núi phía Bắc tập trung phát triển cây có lợi thế chè, cây ăn quả, cà phê chè, cây dược liệu, lúa đặc sản, rau, hoa, ngô, sắn. Vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển theo hướng thâm canh, công nghệ cao; mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, phát triển rau, hoa, cây cảnh.
Vùng Bắc Trung bộ sẽ chuyển dịch cơ cấu mùa vụ để né tránh thiên tai; hình thành vùng sản xuất tập trung cây ăn quả có múi, chè, lạc, mía, cây dược liệu. Vùng Duyên Hải Nam Trung bộ phát triển các cây trồng chịu hạn, thanh long, xoài, dừa, mía, lạc, dưa hấu, cây dược liệu, hoa, cây cảnh; phát triển sản phẩm đặc sản kết hợp du lịch sinh thái, du lịch biển.
Vùng Tây Nguyên phát triển vùng chuyên canh một số cây trồng chủ lực cà phê, hồ tiêu, cao su, chè, điều, cây ăn quả, dược liệu; vùng chuyên canh ngô hàng hóa; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung vào hoa, cây cảnh, rau.
Vùng Đông Nam bộ phát triển mạnh cây công nghiệp có lợi thế cao su, điều, hồ tiêu, mía đường, sắn và cây ăn quả. Là trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ; trung tâm chế biến nông sản phục vụ cho các tỉnh phía Nam.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu; phát triển cây ăn quả tập trung, chất lượng cao kết hợp chế biến; các loại rau, màu, hoa cây cảnh có hiệu quả kinh tế cao. Phát triển các mô hình nông - lâm kết hợp theo hướng sinh thái, hữu cơ, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.
Chiến lược đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân từ 2,2-2,3%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt bình quân từ 8-10%/năm.
Đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt từ 28-30 tỷ USD, trong đó từ 50-60% kim ngạch xuất khẩu nông sản đã qua chế biến; giá trị sản lượng trên 1 ha đất trồng trọt đạt từ 150-200 triệu đồng.
Tầm nhìn đến năm 2045, trồng trọt là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Khi đó, hầu hết các sản phẩm ngành trồng trọt được sản xuất theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

An toàn sinh học và thân thiện với môi trường. Ngành công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam phấn đấu đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới; Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới..
Để thực hiện Chiến lược sẽ có 8 nhóm giải pháp. Đó là, hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển trồng trọt; phát triển thị trường tiêu thụ nông sản gắn với hội nhập quốc tế; khoa học công nghệ và khuyến nông; đổi mới tổ chức lại sản xuất; phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông sản; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai; đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường năng lực quản lý nhà nước.
Cùng với nguồn vốn ngân sách nhà nước, thực hiện Chiến lược sẽ lồng ghép các nguồn vốn trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, chương trình kế hoạch, dự án khác; vốn vay ưu đãi, vốn ODA, các tổ chức, cá nhân đầu tư và các nguồn vốn huy động khác.
Ông Nguyễn Như Cường cũng cho biết, thực hiện Chiến lược sẽ có nhiều đề án phát triển các ngành hàng ưu tiên như: lúa gạo, chè, hồ tiêu, cà phê, cao su, cây ăn quả, rau, hoa – cây cảnh, nấm, dược liệu; đặc biệt còn có đề án Bảo vệ và nâng cao chất lượng đất sản xuất nông nghiệp; đề án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục