Ngành xây dựng tăng trưởng gần 7,5% so với cùng kỳ

20:37' - 10/10/2024
BNEWS Tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng trong 9 tháng của năm 2024 tăng khoảng 7,48% so với cùng kỳ.

Tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng trong 9 tháng của năm 2024 tăng khoảng 7,48% so với cùng kỳ. Đây là thông tin được ghi nhận tại hội nghị  tổng kết kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm của Bộ Xây dựng được tổ chức vào ngày 10/10.

 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, ngành xây dựng đã đạt được kết quả tích cực và toàn diện trong 9 tháng của năm 2024. Các nhiệm vụ đề ra cơ bản hoàn thành như phát triển nhà ở xã hội, hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy các địa phương công bố giá vật liệu xây dựng theo tháng, quý, đảm bảo chất lượng công trình…

Chỉ đạo về nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung xây dựng pháp luật, bám sát theo chương trình, kế hoạch đề ra; trong đó, lưu ý các Luật Quy hoạch đô thị và Nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị; đồng thời tăng cường truyền thông chính sách.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Cục Phát triển đô thị và các đơn vị có trách nhiệm tăng cường kiểm tra quản lý nhà nước về đô thị. Trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, ngoài Luật Cấp thoát nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật còn phải lưu ý về Luật Cây xanh đô thị, Nghị định về quản lý không gian ngầm đô thị, lưu ý vấn đề ngập úng trong các đô thị…

Trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản, Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản cần phối hợp với Vụ Pháp chế tập trung hướng dẫn các địa phương thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản liên quan; quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản; thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội; sớm ban hành chính sách nhà ở cho người có công.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý các nội dung sắp xếp đơn vị hành chính, ban hành tiêu chí, chương trình đô thị xanh, đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, cải cách hành chính, chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục hành chính, triển khai thực hiện quy hoạch về vật liệu xây dựng, xử lý các dự án tồn đọng...

Trong khi đó, các doanh nghiệp cần rà soát kế hoạch sản xuất kinh doanh, xem xét công tác thoái vốn… Các đơn vị sự nghiệp công lập phải rà soát lại kế hoạch tự chủ, quan tâm công tác quản lý nội bộ, cán bộ, nhất là xây dựng Đảng.

Năm 2024 được xác định vẫn là năm khó khăn với các doanh nghiệp xây dựng ở cả lĩnh vực xây lắp lẫn sản xuất vật liệu xây dựng. Liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) mong muốn Bộ Xây dựng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong việc tái cơ cấu, giảm thuế clinker, hỗ trợ về cấp phép khai thác khoáng sản…

Mặc dù kết quả doanh thu 9 tháng đầu năm vượt kế hoạch, dự báo kết quả kinh doanh năm 2024 sẽ đạt và vượt cả về doanh thu lẫn lợi nhuận nhưng đại diện của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) cho biết, năm 2025 doanh nghiệp vẫn chưa đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là việc tìm kiếm các dự án, công việc mới.

Hiện nay, LILAMA đang tiếp tục làm việc với Tập đoàn Thyssenkrupp Nucera để tìm kiếm các hợp đồng chế tạo module điện phân cho các dự án sản xuất hydro xanh. Tuy nhiên, LILAMA cũng mong muốn Bộ Xây dựng giúp đỡ tháo gỡ vướng mắc trong việc thoái vốn Nhà nước...

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, các đơn vị đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ trong 9 tháng của năm 2024. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn chưa theo sát tiến độ, dẫn đến nhiều công việc chưa hoàn thành đúng hạn. Vì vậy, lãnh đạo các đơn vị cần quan tâm giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ. Cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp cũng cần được xem xét và đổi mới để phù hợp với giai đoạn mới; đồng thời phải sắp xếp lại các đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả công việc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục