Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: Đi giữa những cơn sóng ngầm đang cuộn chảy

08:21' - 20/06/2021
BNEWS Giật mình tỉnh giấc khi tiếng còi hú của xe cứu thương vang lên nhức nhói, xé toạc màn đêm đen yên tĩnh. Quay sang nhìn đồng hồ mới 5h sáng, lại trở mình nằm tiếp và chìm vào giấc ngủ miên man.

Chẳng còn nhớ tôi đã trải qua bao đêm như vậy khi số ca mắc COVID-19 mới tại Ấn Độ cứ tăng lên mỗi ngày, ngày sau cao hơn ngày trước, đẩy hệ thống y tế mong manh đến bờ vực sụp đổ.

Ở New Delhi lạ lắm, thành phố khoảng 20 triệu dân mà đi trên đường hiếm khi thấy xe cấp cứu hú còi xin vượt. Có lẽ do người dân nơi đây ít bị bệnh, hoặc nghèo không có tiền chữa bệnh, hoặc cả hai.

Nhưng khi đại dịch COVID-19 bùng phát, cảnh tượng đó đã trở nên quá đỗi quen thuộc trên từng con phố và âm thanh đó vang vọng cả trong đêm tạo thành nỗi ám ảnh, bởi đối với nhiều người, bệnh nhân nằm trong chiếc xe kia rất có thể là người thân hay chính những người hàng xóm xung quanh mình, và nhiều người trong số họ sẽ ra đi không có ngày về.

Năm COVID-19 thứ hai tại Ấn Độ, làn sóng lây nhiễm thứ hai ập đến thật bất ngờ, ngay khi người ta đang ca tụng chiến thắng trước “kẻ thù vô hình” ấy.

Với lúc cao điểm lên đến hơn 400.000 ca nhiễm mới và gần 5.000 ca tử vong mỗi ngày hồi đầu tháng 5, phá vỡ mọi kỷ lục trên thế giới, nó như một cơn đại hồng thủy cuốn phăng mọi vật cản trên đường đi. Virus đã thực sự áp đảo tất cả các “hệ thống phòng thủ” và len lỏi vào mọi ngóc ngách của xã hội.

Còn nhớ năm trước, hành động mau lẹ của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi, thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc chỉ sau 4 giờ ban bố, tái hiện cảnh đường phố vắng lặng như ngày tận thế vốn chỉ xuất hiện trên màn ảnh, đâu đó chỉ còn lấp ló bóng hình của cảnh sát và những… con bò lang thang, cũng không thể kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh.

Virus SARS CoV-2 có mặt ở khắp mọi nơi, đến nỗi người ta dường như đã quá quen thuộc với nó, và từng có lúc quên đi sự hiện diện của thứ quái ác vẫn đang hoành hành khắp năm châu, trước khi nó xuất hiện trở lại với sức tàn phá dữ dội hơn và gây ra những thảm cảnh chết chóc hơn.

Làm việc trong một môi trường như vậy thật không đơn giản, đặc biệt đối với các phóng viên CQTT thường xuyên phải tác nghiệp bên ngoài, tiếp xúc với nhiều người khác nhau để đưa tin, viết bài.

Chỉ có tâm lý lạc quan, một trái tim nhiệt huyết với nghề và một tinh thần “thép” mới giúp chúng tôi đứng vững trong đại dịch, vượt lên trên nỗi sợ hãi bệnh tật để đối diện với hiểm nguy luôn rình rập, xua tan nỗi ám ảnh về vô vàn những bệnh nhân ngoài kia đang thoi thóp chờ “lệnh phán xử” của tử thần mang tên COVID-19, và cả hình ảnh về những lò thiêu rực lửa bất kể ngày đêm.

Đã có những lúc tôi thử đặt mình vào hoàn cảnh của những bệnh nhân ấy, khi mỗi phút giây qua đi là một thời khắc sinh tử đối với họ. Ranh giới giữa sự sống và cái chết chưa bao giờ mong manh đến vậy. Cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng khi trong đầu thoảng qua ý nghĩ về một kịch bản tồi tệ nhất. Ai mà biết được điều gì sẽ xảy ra.

Biến thể Delta (B.1.617) phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ lây lan rất mạnh, lan truyền cả trong không khí và khiến rất nhiều người trẻ không bệnh lý nền cũng bị trở nặng và thậm chí tử vong, để lại bao niềm xót thương và hoang mang nữa. Chẳng thể nói mạnh điều gì, khi chính bạn đang ở giữa tâm dịch của thế giới và là một phần của khủng hoảng.

Gọi điện hỏi thăm bạn bè sở tại ở các địa phương khác nhau của Ấn Độ khi dịch bệnh lây lan chóng mặt, phần lớn những người trong danh bạ nếu không bị nhiễm thì có người nhà, người thân, bạn bè, hàng xóm chung vách mắc bệnh. Rất nhiều người mà họ biết đã tử vong vì virus SARS CoV-2.

Có những người hôm trước còn cười nói vui vẻ, hôm nay đã ra đi chẳng lời từ biệt. Ám ảnh và bi quan là điều dễ nhận thấy qua giọng nói lộ vẻ hoang mang ở đầu dây bên kia trong mỗi cuộc gọi.

Tôi có anh bạn nhà báo làm việc cho tờ Times of India. Đợt này cũng ít gặp vì lệnh phong tỏa và giới nghiêm, nhưng cứ mỗi lần gặp là cậu ấy bịt kín như bưng, đeo găng tay, sử dụng mặt nạ chắn giọt bắn và đeo hai khẩu trang, tay lăm lăm… bình dung dịch sát khuẩn và đứng cách xa tối thiểu hai sải chân dài.

Vậy nên khi nói chuyện cứ căng tai ra mà nghe, câu được câu chăng, nhưng đại ý muốn mình thông cảm vì ở nhà còn có bố mẹ già và con nhỏ. Cậu ấy làm việc online từ hồi năm ngoái đến giờ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Ấn Độ, hầu như chẳng ra ngoài bao giờ. Có những người họ khiếp sợ COVID-19 đến vậy. Giá như ai cũng như cậu ấy, tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ chắc cũng không đến nỗi.

Một cậu bạn khác, một cây viết tự do, đã không thể giữ gìn được như vậy. Bố cậu ấy đã mất vì COVID-19. Đau đớn và ân hận vì không thể hoàn thành tâm nguyện của cha khi ông còn sống và nhất là chưa báo hiếu cha được nhiều, giờ đây mỗi trạng thái trên Whatsapp của cậu ấy là một điều răn dạy, một đạo lý hay một lời cầu nguyện, ngày nào cũng như vậy từ nhiều tháng nay rồi. Tâm tính của cậu ấy cũng dường như đã thay đổi, trầm mặc hơn và dễ động lòng trắc ẩn hơn.

Có bao nhiêu người giống như cậu ấy ư? Không thể biết được, nhưng COVID-19 thực sự đã làm rối ren và đảo lộn xã hội nơi đây, tạo ra những khoảng trống không thể khỏa lấp. Chỉ riêng trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, đã có gần 600 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ vì COVID-19.

Nhiều gia đình mất đi hơn một thành viên, khiến những người còn lại không chỉ suy sụp mà còn lao đao vì những gánh nặng tài chính đè lên vai. Đối với các nhà báo, làn sóng lây nhiễm thứ hai nguy hiểm hơn nhiều so với làn sóng đầu tiên.

Theo một báo cáo của Viện nghiên cứu tri giác (IPS) ở Delhi, COVID-19 cướp đi mạng sống của 56 nhà báo tại Ấn Độ từ tháng 4-12//2020. Trong khi đó, gần 200 nhà báo nhiễm bệnh và qua đời từ tháng 1-5/2021. Hơn 80 nhà báo khác cũng đã tử vong trong thời gian qua.

Nguyên nhân đang chờ xác minh nhưng rõ ràng họ mang những triệu chứng điển hình của COVID-19 trước khi trút hơi thở cuối cùng. Như vậy trung bình trong tháng 4 vừa qua, mỗi ngày tại Ấn Độ có 3 nhà báo tử vong do COVID-19.

Con số này tăng lên 4 trong tháng 5. Trong tháng 6 này, tình hình dịch bệnh đã lắng dịu đáng kể khi trung bình trong 7 ngày qua chỉ có gần 80.000 ca nhiễm và 1.800 ca tử vong mỗi ngày. Nhưng do đặc thù nghề nghiệp, có lẽ chỉ khi Ấn Độ sạch bóng COVID-19 thì các nhà báo mới thôi đối mặt với rủi ro.

Làn sóng thứ hai đã tạm lắng xuống, tạo khoảng lặng cần thiết để Ấn Độ gia cố các “lá chắn” phòng thủ COVID-19 đã tả tơi sau hai làn sóng dịch tấn công dữ dội và đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để có thể chuyển trạng thái từ phòng thủ bị động sang chủ động tấn công.

Chính quyền New Delhi coi tiêm phòng là một vũ khí chủ lực chống COVID-19, nhưng chương trình này lại đang diễn ra hết sức chậm chạp khi đến nay, sau 5 tháng mới chỉ có khoảng 3,5% dân số Ấn Độ được tiêm đủ liều.

Khi chưa khống chế được tình hình, rất có thể sẽ lại xuất hiện thêm những biến thể mới của SARS CoV-2 nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn, thậm chí làm mất tác dụng bảo vệ của vaccine và gây ra những làn sóng tiếp theo có sức tàn phá khủng khiếp hơn.

Những ngày gần đây, khi thủ đô New Delhi và một số bang khác của Ấn Độ bắt đầu dỡ bỏ hay nới lỏng đáng kể các lệnh phong tỏa, người dân đã ra ngoài nhiều hơn, khi niềm tin tiêu dùng tăng trở lại trong bối cảnh số ca nhiễm mới liên tục giảm sâu, ở mức dưới 100.000/ngày trong nhiều ngày liên tiếp.

Các nhà ga, bến xe, trung tâm mua sắm và cả công viên nữa đã trở nên nhộn nhịp hơn. Lưu lượng giao thông tăng trong tuần thứ tư liên tiếp ở cả Mumbai và New Delhi. Nhu cầu tiêu thụ điện cũng cao hơn. Đây là những dấu hiệu tốt cho sự phục hồi của một nền kinh tế đã chao đảo trong khủng hoảng và suy yếu vì kiệt quệ.

Nhưng chẳng phải đây cũng chính là những gì chúng ta thấy trước khi làn sóng thứ hai bùng phát hay sao? Lấy gì đảm bảo một làn sóng thứ ba không xuất hiện, khi nhu cầu phục hồi và phát triển kinh tế còn cấp bách hơn, khi cái bụng đói còn đáng sợ hơn con virus vô hình.

Như tôi đã nói, chỉ khi Ấn Độ kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hoặc đạt được miễn dịch cộng đồng thực sự, thì mới tạm hết rủi ro. Bằng không, tất cả sẽ chỉ là những khoảng lặng trước cơn bão.

Khi nguy cơ luôn tiềm ẩn và rủi ro vẫn luôn thường trực, làn sóng thứ ba có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Khi người ta chủ quan nhất, chính là lúc họ dễ bị tổn thương nhất. Và đó là khi những cơn sóng ngầm đang cuộn chảy, trực chờ trào dâng.

Là một nhà báo, hơn 1 năm qua, tôi đã đi qua làn sóng lây nhiễm thứ nhất và thứ hai ở Ấn Độ, đưa tin về những gì tôi trực tiếp chứng kiến, trực tiếp trải qua trong những ngày tháng này. Và tôi đã sẵn sàng đối mặt với những thử thách tiếp theo trong năm cuối nhiệm kỳ của mình tại Ấn Độ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục