Nghệ An đề xuất chưa tiến hành sắp xếp hai xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi

19:36' - 24/05/2024
BNEWS Tại phiên họp chiều 24/5, UBND tỉnh Nghệ An đã thống nhất với đề xuất của Sở Nội vụ trước mắt chưa tiến hành sắp xếp hai xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi của huyện Quỳnh Lưu trong giai đoạn 2023 - 2025.
Cụ thể, liên quan đến dự thảo nội dung tờ trình Sở Nội vụ báo cáo đề xuất UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023 - 2025, trong đó chưa tiến hành sắp xếp hai xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi của huyện Quỳnh Lưu vì chưa thống nhất được tên gọi đơn vị hành chính mới sau sáp nhập.
 

Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025 sẽ có 94/460 đơn vị hành chính cấp xã sắp xếp (67 đơn vị thuộc diện bắt buộc và 27 đơn vị liền kề) thành 45 đơn vị (trong đó 44 đơn vị thành lập mới và 1 đơn vị hành chính điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số) sau sắp xếp toàn tỉnh giảm 49 đơn vị hành chính.

Riêng Quỳnh Lưu là đơn vị có số lượng đơn vị sắp xếp nhiều nhất tỉnh Nghệ An với 17 xã thành 8 đơn vị hành chính mới, sau sắp xếp toàn huyện còn 24 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 1 thị trấn và 23 xã (giảm 9 đơn vị). Ngày 22/5, HĐND huyện Quỳnh Lưu khóa XX tổ chức Kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) để thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, giai đoạn 2023 - 2025. Tại kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết thống nhất thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu giai đoạn 2023-2025 với tỷ lệ tán thành 100%. Tuy nhiên, do còn một số vướng mắc trong tên gọi nên huyện Quỳnh Lưu mới tổ chức lấy ý kiến được 15/17 xã, thị trấn, còn 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu chưa lấy ý kiến cử tri.

Ngay sau Kỳ họp, UBND huyện, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND đã được thông qua; tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ báo cáo, trình UBND tỉnh; đối với hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân, cử tri hai xã đồng tình, thống nhất chủ trương sáp nhập và tên gọi của đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập.

Báo cáo tại kỳ họp, ông Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Dựa trên báo cáo của huyện Quỳnh Lưu vì chưa lấy ý kiến cử tri, chưa thống nhất được tên gọi của đơn vị hành chính mới nên đề xuất với UBND thông qua chưa tiến hành sắp xếp hai đơn vị này trong giai đoạn 2023 - 2025.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết: Thời gian qua, tại một số địa phương, việc đặt tên xã mới cũng đã gây ra không ít tranh cãi, băn khoăn. Dựa trên cơ sở nghiên cứu và yếu tố văn hóa, lịch sử để đặt tên mới cho đơn vị hành chính sau sáp nhập cần nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân, đặc biệt là hai xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi khi tiến hành sáp nhập đơn vị hành chính. Vì vậy, UBND tỉnh thống nhất tán thành với đề xuất của Sở Nội vụ trước mắt chưa tiến hành sắp xếp hai xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi của huyện Quỳnh Lưu trong giai đoạn 2023 - 2025.

Hiện nay, các địa phương tỉnh Nghệ An bám sát các mốc thời gian trong kế hoạch, tập trung cao độ để hoàn thành các bước theo quy định. Theo đó, Hội đồng nhân dân cấp huyện tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023 - 2025 hoàn thành trước ngày 30/5; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023 - 2025 hoàn thành trước ngày 10/6. Trên cơ sở đó tiến tới hoàn thiện Đề án trình Chính phủ Đề án Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025 trước ngày 15/6/2024.

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã nhằm giải quyết tình trạng manh mún, chia cắt về địa giới hành chính; mở rộng không gian phát triển, tạo điều kiện liên kết vùng, tập trung được các nguồn lực về đất đai, lao động, cơ sở hạ tầng, tập trung mở rộng sản xuất, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương; tiết kiệm chi ngân sách, góp phần vào cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và do yêu cầu của quá trình đô thị hóa các vùng nông thôn, cần phải điều chỉnh đơn vị hành chính để thành lập mới các đơn vị hành chính đô thị nhằm xây dựng mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển, trở thành hạt nhân, động lực phát triển cho vùng lân cận, góp phần nâng cao tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh và cả nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục